Kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông dưới 5.000 người/năm

Phải thực thi nhiều giải pháp quyết liệt để kéo giảm bằng được số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) xuống còn 5.000 người/năm thay vì 9.000 người như hiện nay, đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia tại hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) giai đoạn 2011-2015, định hướng nhiệm vụ 2016-2020 được tổ chức ở Hà Nội ngày 8-12.
Kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông dưới 5.000 người/năm

Phải thực thi nhiều giải pháp quyết liệt để kéo giảm bằng được số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) xuống còn 5.000 người/năm thay vì 9.000 người như hiện nay, đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia tại hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) giai đoạn 2011-2015, định hướng nhiệm vụ 2016-2020 được tổ chức ở Hà Nội ngày 8-12.

Còn nhiều bất cập trong quản lý

Theo đánh giá của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, sau 5 năm triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT và 4 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ, tình hình trật tự ATGT trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực. So với năm 2011, số vụ TNGT đã giảm 50%, số người chết giảm 23,7%, số người bị thương giảm 60%, trong điều kiện dân số, nhu cầu đi lại của người dân và số phương tiện cơ giới tăng nhanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình hình trật tự ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng tiếp tục xảy ra, số người chết vì TNGT vẫn ở mức cao. Nhiều địa phương vẫn để TNGT tăng như Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sơn La… Một số địa phương khác để TNGT đường thủy, đường sắt có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc giao thông đang tái diễn phức tạp tại TP Hà Nội, TPHCM, nhất là khi có triều cường, mưa lớn hoặc trên các tuyến có công trường đang thi công.

CSGT điều khiển giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh: CAO THĂNG

Thay vì đổ lỗi cho ý thức người tham gia giao thông, hội nghị này với sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành liên quan, các chủ tịch và phó chủ tịch chuyên trách về ATGT của 63 tỉnh thành trong cả nước đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập của tình hình TNGT từ góc độ các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận, một số văn bản quy phạm pháp luật về trật tự ATGT còn chưa được ban hành kịp thời, công tác tuyên truyền còn hình thức, thiếu thực tiễn, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời sự phát triển kinh tế xã hội. Ở một số nơi, sự phối hợp giữa các lực lượng bảo đảm trật tự ATGT còn chưa chặt chẽ, đồng bộ. Bên cạnh đó, không ít người thi hành công vụ còn hạn chế về trình độ, năng lực, một bộ phận cán bộ công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định… Đại diện nhiều địa phương cũng nêu ra những bất cập trong cơ chế quản lý và đề xuất cách tháo gỡ, như kiến nghị cần có hỗ trợ cho lực lượng công an xã tham gia giữ gìn đảm bảo trật tự ATGT vì lực lượng này thời gian qua đã làm tốt, xử lý từ gốc những vi phạm về trật tự ATGT. Nhiều đại biểu cũng đồng thuận với ý kiến đề nghị tăng nặng hình phạt và tăng mức phạt tại chỗ cho CSGT, đề nghị thực hiện nghiêm và giám sát thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chủ trương di dời trường học, bệnh viện, công sở ra khỏi khu vực trung tâm để giảm ùn tắc và TNGT. Năm 2016 được dự báo ùn tắc giao thông sẽ là nguy cơ lớn vì Việt Nam đã vào TPP, lượng ô tô giảm thuế sẽ vào đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, trong khi 2 đô thị này có nhiều công trình đang thi công kéo dài, rất cần xem xét lại năng lực các nhà thầu.

Cần những giải pháp căn cơ

Tại hội nghị, Ủy ban ATGT Quốc gia và đại diện các bộ ngành, địa phương đã đưa ra hàng loạt giải pháp để kéo giảm TNGT trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đáng chú ý là các lực lượng đảm bảo ATGT cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới để phát hiện và xử lý các vi phạm về trật tự ATGT. Bên cạnh đó, Bộ Công an cần phối hợp với Bộ Tài chính để sớm ban hành quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua tài khoản ngân hàng, đề xuất cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin để phục vụ công tác xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, các địa phương phải rà soát lại quy hoạch đô thị, đẩy nhanh thực hiện các giải pháp phát triển giao thông công cộng và kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong các giải pháp được nêu ra, việc phát hiện, xử lý vi phạm là cần thiết nhưng giải pháp quan trọng hơn là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trật tự ATGT, nhất là đối với thế hệ trẻ, cần giáo dục từ gia đình, đến nhà trường và ra ngoài xã hội. Phó Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này, các địa phương phải tổ chức tổng kết, đánh giá về tình hình trật tự ATGT, có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, thành phố. Từ chỉ tiêu chung của quốc gia, các địa phương phải đặt ra chỉ tiêu cụ thể, từ đó tìm ra các giải pháp căn cơ, phù hợp với từng địa phương để thực hiện. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải rà soát lại quy hoạch đô thị, không xây dựng nhà cao tầng tại khu vực trung tâm để giảm thiểu ùn tắc. Phó Thủ tướng cũng phát động phong trào thi đua đảm bảo trật tự ATGT giai đoạn 2016-2020, trong đó, mục tiêu cụ thể là sẽ giảm từ 5% - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hàng năm, giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng, kéo giảm ùn tắc giao thông tại các TP lớn, không để ùn tắc kéo dài trên 30 phút, đồng thời tiếp tục thực hiện Năm ATGT hàng năm với mục tiêu “tính mạng con người là trên hết”.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục