Kéo giảm tội phạm mua bán người

Ngày 8-5, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người.

Trình bày tóm tắt báo cáo nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn 2018-2022, cả nước phát hiện 440 vụ mua bán người với 876 đối tượng vi phạm và 1.240 nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán. Mua bán người ở trong nước và mua bán nam giới có xu hướng tăng lên, thậm chí có tình trạng mua bán thai nhi. Ở một số nơi nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát. Nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành giải cứu và phối hợp giải cứu cho 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về là 545 người… Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng lớn nạn nhân chưa được giải cứu.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc thông tin, trong các vụ án liên quan mua bán người vừa qua, có 744 nạn nhân là nữ, 275 nạn nhân nam; 841 nạn nhân trên 16 tuổi và 178 nạn nhân dưới 16 tuổi. Về mục đích phạm tội, có 19 vụ liên quan bóc lột tình dục, 132 vụ cưỡng bức lao động, 4 vụ lấy bộ phận cơ thể nạn nhân, 239 vụ vì mục đích vô nhân đạo khác.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đắk Nông, nhận xét, pháp luật hiện hành còn khá dễ dãi với việc kết hôn có yếu tố nước ngoài cũng như cho và nhận con nuôi. Thực tế có tình trạng giả danh kết hôn với người Việt Nam, sau đó nạn nhân bị bán cho đối tượng khác, gây hệ lụy nặng nề. Có nạn nhân bị chính người thân trong gia đình, họ hàng lừa bán. Có nạn nhân nữ phải làm vợ chung cho cả gia đình ở nước ngoài.

Phát biểu tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, một trong những giải pháp căn cơ là tăng cường hỗ trợ cho nhóm người yếu thế, đảm bảo đời sống để người dân không bị rơi vào bẫy lừa đảo mua bán người. Lực lượng công an nhiều năm nay đề ra mục tiêu giảm 5% tội phạm chung, trong đó có tội phạm mua bán người.

Về câu hỏi có hay không nguy cơ tiềm ẩn mua bán người qua hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Tấn Dũng nhìn nhận là có. Hiện có trên 500.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản có 250.000 người, Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 230.000 người, Hàn Quốc khoảng 40.000 người... Số người ở lại (bất hợp pháp) khoảng 46.000 người, trong đó tập trung chủ yếu các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Bộ LĐTB-XH đang rà soát và sắp tới doanh nghiệp nào không đủ tiêu chí, điều kiện thì cương quyết rút giấy phép đưa lao động ra nước ngoài.

Phản hồi băn khoăn về thủ tục đơn giản, tiềm ẩn nguy cơ từ kết hôn với người nước ngoài, nuôi con nuôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, hồ sơ được quy định rất chặt chẽ, rõ thẩm quyền. Sơ hở nếu có là ở khâu tổ chức thực hiện. Giải pháp cho vấn đề này là tập trung tuyên truyền để nâng cao kiến thức pháp luật về hôn nhân với người nước ngoài, xúc tiến tương trợ tư pháp với nước có người Việt Nam sinh sống, bảo hộ công dân. Về nuôi con nuôi, cần phải có sự theo dõi kiểm tra tình hình sau khi thực hiện cho - nhận để phát hiện, phòng chống hành vi mua bán trẻ em một cách có hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục