Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản

Bộ NN-PTNT vừa phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức diễn đàn “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai”.

Theo Th.S Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, với những lợi thế, Tây Nguyên từng bước phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm cả nước. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, năng suất thấp, khả năng liên kết, ứng dụng công nghệ cao còn yếu là những hạn chế với phát triển nông nghiệp.

Để khắc phục những khó khăn và bất cập trong sản xuất và tiêu thụ nông sản Tây Nguyên, ngay lúc này, cần có sự kết hợp và gắn kết chặt chẽ các mắt xích trong chuỗi cung ứng từ vùng vật liệu, lập kế hoạch, loại cây trồng, vật nuôi thích hợp với biến đổi khí hậu cho đến cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kết nối xúc tiến xuất khẩu để có sự phối hợp kịp thời.

Theo Bộ NN-PTNT, đến năm 2025, việc phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên cần đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa theo nhu cầu thị trường, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng cao và bền vững.  

- UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen Đồng Tháp”. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2015, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh khoảng 1.265ha, sản lượng đạt 984 tấn. Giai đoạn năm 2016-2019, diện tích sen giảm còn từ 790-880ha, sản lượng dao động 590-712 tấn. Đến năm 2020, diện tích sen phục hồi trở lại khoảng 1.252ha, sản lượng trên 1.000 tấn; tập trung tại các huyện Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Tân Hồng và Lấp Vò.

Thời gian gần đây, cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để lấy gương, ngó mà còn đa dạng hóa từ nhiều sản phẩm (như tinh dầu sen, tơ sen, trà sen, nước uống từ sen…) đến các dịch vụ như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen. Hiện nay, cây sen được tỉnh Đồng Tháp chọn, đưa vào xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực giai đoạn 2021-2025. 

Chia sẻ tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục nâng tầm cây sen, có những chương trình, kế hoạch phát huy giá trị sen nhiều hơn nữa. Theo đó, cần đẩy mạnh kết nối các tour du lịch, lữ hành, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm từ sen, đưa các món ăn về sen vào nhà hàng, quán ăn; đa dạng hóa sản phẩm từ sen và tạo ra những giống sen mới. Điều quan trọng là nông dân cần gắn bó, liên kết với nhau nhiều hơn và Hội ngành hàng Sen của Đồng Tháp vừa ra đời là điều kiện để hợp sức cùng nhau phát triển, tạo ra giá trị cao hơn từ cây sen.

Tin cùng chuyên mục