(SGGPO).- Chiều 7-5, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao tại Hà Nội đã kết thúc phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Chủ tọa phiên tòa - ông Nguyễn Văn Sơn, Thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) và bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT), tuyên án:
Tử hình bị cáo Dương Chí Dũng về tội tham ô tài sản; 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Bị cáo Mai Văn Phúc bị tử hình về tội tham ô tài sản và 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines) bị phạt 10 năm tù về tội tham ô tài sản và 9 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt 19 năm tù.
Bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) bị phạt 14 năm tù đối với tội tham ô tài sản và 8 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt 22 năm tù.
Đối với các bị cáo chỉ bị truy tố, xét xử tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có các bị cáo: Mai Văn Khang (nguyên Phó Trưởng ban đóng mới tàu biển) bị phạt 7 năm tù; Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị phạt 7 năm tù; Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên cán bộ hải quan Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) mỗi bị cáo 6 năm tù.
Trước đó, trong phần tóm tắt nội dung vụ án và quá trình xét xử phúc thẩm, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn nêu rõ trên cơ sở xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ, cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX nhận thấy Dương Chí Dũng đã ký văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho Vinalines xây dựng phương án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Mặc dù chưa được thông qua chủ trương, nhưng Dương Chí Dũng vẫn yêu cầu Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc xây dựng dự án. Trách nhiệm trực tiếp và xuyên suốt khi để xảy ra các sai phạm là thuộc về Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. HĐXX cũng nêu rõ, việc các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn đã thỏa thuận việc ăn chia số tiền 1,66 triệu USD từ khoản "lại quả" trong phi vụ mua ụ nổi 83M là có căn cứ, trong đó Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, mỗi người nhận 10 tỷ đồng từ Trần Hải Sơn. HĐXX phúc thẩm cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo trong vụ án vì hậu quả nghiêm trọng để lại rất lớn đối với nhà nước. Hơn nữa, hậu quả vụ án là đặc biệt nghiêm trọng nên áp dụng tình tiết tăng nặng đối với các bị cáo của cấp sơ thẩm là hoàn toàn chính xác. Số tiền chiếm hưởng của 2 bị cáo Dũng và Phúc rất lớn và còn lôi kéo nhiều người tham gia. Đặc biệt, bị cáo Dương Chí Dũng trước đó còn có hành vi bỏ trốn ra nước ngoài gây khó khăn cho việc điều tra. Khi bị truy tố, xét xử các bị cáo lại chưa thành khẩn khai báo, nhận tội. Vì vậy việc tuyên án tử hình đối với 2 bị cáo Dũng và Phúc trong phiên tòa sơ thẩm trước đó là hoàn toàn đúng đắn.
Đối với việc gia đình các bị cáo trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra đã nộp một số tiền để khắc phục hậu quả, HĐXX ghi nhận đây là một tình tiết để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo như đề xuất của đại diện Viện kiểm sát. Tuy nhiên, số tiền mỗi gia đình nộp chỉ bằng 1/3-1/2 số tiền các bị cáo chiếm đoạt và rất nhỏ so với thiệt hại của vụ án này gây ra. Vì thế khoản tiền này không giúp làm thay đổi nhận định của HĐXX về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của các bị cáo gây ra trong vụ án này.
QUỐC LẬP
- Phúc thẩm “đại án” ở Vinalines: Giữ nguyên quan điểm buộc tội các bị cáo