Đến chiều 28-7, hầu hết các trường ĐH có tuyển sinh khối C, D1 đã hoàn tất công tác chấm thi môn Văn. Kết quả chấm thi từ các trường cho thấy, sự đột phá “mở” trong khâu ra đề của môn Văn năm nay đã nhanh chóng bị “đóng” lại bởi ba-rem điểm của Bộ GD-ĐT. Quan trọng hơn, phần “mở” trong đề Văn cũng “mở” ra cho các nhà quản lý thấy rõ hơn những khoảng trống trong giảng dạy môn học này.
Lúng túng vì đáp án
Kết thúc ngày đầu tiên thi ĐH-CĐ 2009 đợt 2, sáng hôm sau, các tờ báo lớn đều dành một… “khoảng đất” màu mỡ để khai thác về… đề thi ĐH môn Văn khối C và D. Sự bất ngờ từ một đề văn ra theo hướng mở khiến cả xã hội… “lung linh” về một đợt thi tuyển sẽ chọn được đúng người cần chọn.

Thí sinh dự thi vào Đại học Luật TPHCM trao đổi với người nhà sau giờ thi môn Văn. Ảnh: MAI HẢI
Những dấu hỏi về một đề văn mở nhưng liệu đáp án có mở cũng làm tốn không ít giấy mực của báo giới và luôn là chuyện quanh bàn trà của những người quan tâm đến giáo dục. Cho đến chiều hôm qua, sau khi các trường ĐH đào tạo khối C và D đều cho biết đã hoàn tất việc chấm thi môn Văn, câu trả lời mới thật sự gây chấn động và dập tắt niềm hy vọng của nhiều người. Gần như các giáo viên chấm thi môn Văn đều có chung một nhận định: “ba-rem điểm (hướng dẫn chấm thi) lại quá tỉ mỉ, không hợp với dạng đề “mở””.
PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TPHCM) nhấn mạnh, cách ra đáp án chấm thi môn Văn năm nay không có gì thay đổi so với các dạng đề của những năm trước, hướng dẫn chấm quá chặt, cả ý tưởng (ở câu II) cũng đã có sẵn buộc giám khảo phải chấm theo. Đã là đề “mở” thì không nên đưa ra yêu cầu “đóng” như thế.
Đồng tình với ý kiến trên, Th.S Trần Thị Thúy Liễu, Trưởng khoa Sư phạm Khoa học xã hội Trường ĐH Sài Gòn cũng cho rằng: Các giám khảo rất hào hứng với đề thi, nhưng khi “đụng” đáp án thì lại… lúng túng và mất nhiều thời gian vì thang điểm hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT đưa ra quá chi tiết.
Một giáo viên chấm thi môn Văn nhiều năm tâm sự: Nhiều bài TS làm khá tốt về mặt nhận thức và kỹ năng, song khác với các ý trình bày trong đáp án, cả hai giám khảo đều đồng một quan điểm nhưng lại không… dám chấm điểm cao vì không khớp đáp án.
Đối với bài văn nghị luận xã hội, điều này còn… nghiệt ngã hơn, bởi đề dạng này hoàn toàn “mở” trong khi đáp án lại yêu cầu khá chi tiết. Với một ba-rem có điểm cho… từng ý một, giám khảo có dám chấm thoáng? Vị giáo viên này bức xúc: “Chúng ta đánh giá cao những sự sáng tạo riêng hay đề cao những bài làm giống nhau và trúng với đáp án?”.
Mặc dù trong hướng dẫn chấm chung, bộ cũng lưu ý đến phần sáng tạo và cách trình bày “khác với đáp án nhưng đúng vẫn cho điểm…”. Nhưng rõ ràng, ranh giới giữa cái “khác nhưng đúng với đáp án” thật khó để người giám khảo xác định và dám mạnh tay cho điểm “mở”.
Chỉ đổi mới ở phần ngọn
Nhìn lại cách ra đề thi môn Văn năm nay, nhiều giáo viên dạy văn lẫn các trường đào tạo ngành khoa học xã hội kỳ vọng sẽ thật sự sàng lọc được những “tinh hoa” cho trường mình. Tuy nhiên, thực tế bài làm của TS năm nay lại không có gì đổi mới từ cách hành văn đến cách trình bày.

Thí sinh trao đổi sau giờ thi tuyển sinh năm 2009. Ảnh: MAI HẢI
Tiến sĩ Phạm Thị Phương, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, sau khi hoàn tất chấm thi môn Văn cho 3 trường ĐH tại TPHCM đánh giá về bài làm của TS gói gọn trong một câu: “Cách dạy đã thế, khuôn sáo từ nhỏ! Năm nay tổ chấm Văn không tìm được bài làm nào thật sự xuất sắc hay ý ngộ nghĩnh, sáng tạo để các giám khảo có thể đưa ra bàn luận, nhận xét trong quá trình chấm”.
Theo PGS-TS Đoàn Lê Giang, để thật sự chọn lọc được những “tài hoa” để tào tạo ngành xã hội không phải chỉ đổi mới ở cách ra đề mà cần mạnh dạn đổi mới hơn nữa từ phần “gốc”.
Phần “mở” của đề thi Văn năm nay còn chỉ ra một lỗ hổng trong chương trình giảng dạy môn Văn ở các cấp học dưới. Phần đông giám khảo chấm thi môn Văn cho Trường ĐH Sài Gòn cho biết: họ hoàn toàn bất ngờ với phần II của đề Văn năm nay. Bởi vì ở chương trình dạy phổ thông gần như họ không có thời gian để dạy các em làm bài theo cách sáng tạo này. Lý do mà các thầy cô đưa ra chính là họ phải theo sát chương trình, thời lượng rất chặt nên không thể làm khác.
Tuy nhiên, chúng ta không thể trách giáo viên phổ thông không biết cách dạy mà chính là do quy định của chương trình. Nếu có thầy cô nào dám bứt phá, dạy khác với yêu cầu của chương trình thì lập tức họ bị tổ trưởng bộ môn, rồi đến ban giám hiệu khiển trách ngay. Chính sự thay đổi quá đột ngột ở phần ngọn này đã giúp chúng ta phát hiện ra một lỗ hổng lớn trong chương trình giảng dạy ở phổ thông. Sự trói buộc quá chặt vào thời lượng, quy định của chương trình phổ thông.
Theo TS Phương, đừng nên cho rằng với cách đột phá ở một khâu nào đó thì sẽ tạo ra được sự thay đổi trong tư duy của các em, nhất là đối với môn Văn. Chính cách dạy của chúng ta từ các cấp dưới đã có vấn đề: không tập cho các em tư duy, suy luận trình bày quan điểm về những điều các em khúc mắc, chưa hiểu hoặc khuyến khích những suy nghĩ trái chiều, không tập các em cách tranh luận, phản biện một vấn đề. Cách dạy như thế thì làm sao các em không đi vào khuôn sáo cho được!
Muốn tạo được sự đổi mới thật sự trong giảng dạy môn Văn trước hết phải có sự đổi mới đồng bộ từ chương trình – hướng dẫn cách giảng dạy – cách ra đề chứ cách làm hiện nay chỉ là đổi mới ở phần ngọn.
THANH HÙNG - TIÊU HÀ