16 giờ 30 phút chiều qua 6-5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, Chủ tọa Hội nghị thường niên lần thứ 44 Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã gõ búa bế mạc hội nghị sau 4 ngày làm việc tại Hà Nội. “Hội nghị đã thành công tốt đẹp và sự hỗ trợ tuyệt vời của nước chủ nhà Việt Nam đã làm nên thành công đó” - Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda phát biểu với báo chí sau khi kết thúc hội nghị.
Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát
Theo ông Kuroda, thành công của Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 thể hiện ở số lượng gần 4.000 đại biểu từ khắp thế giới tham dự - lớn nhất từ trước đến nay trong các kỳ hội nghị của ADB: “Điều này chứng tỏ châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng, thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế. Và các đại biểu tham dự hội nghị cũng rất quan tâm đến Việt Nam, nước chủ nhà”.
Chủ tịch ADB cho biết, tại hội nghị lần này, các thống đốc đã thảo luận về các thách thức ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của kinh tế khu vực. Trong đó, thách thức ngắn hạn là tình hình lạm phát tăng cao. Tuy lạm phát có sự khác biệt ở mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế nhưng đây đang là áp lực chung của cả khu vực với lo ngại đặc biệt về giá lương thực và giá dầu tăng. Nguy cơ lạm phát có tác động xấu đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo. Các thống đốc cũng đã thảo luận nhiều về chính sách đã và sẽ thực hiện để kiềm chế lạm phát.
Theo đánh giá của ADB, hầu hết các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều phục hồi tăng trưởng nhanh sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong trung hạn. Lạm phát tuy không phổ biến trong toàn khu vực, nhưng có mức độ khá nghiêm trọng ở một số nước.
Ông Kuroda nói: “Các quốc gia này đều đã đưa ra những chính sách kiềm chế lạm phát, ADB đánh giá các chính sách đó là kịp thời, đúng lúc và lạm phát sẽ được kiềm chế hiệu quả”. Theo ông Kuroda, để lạm phát không tiếp tục leo thang, sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá hối đoái là biện pháp cần thiết để hạn chế “nhập khẩu lạm phát”. Với trường hợp nền kinh tế Việt Nam, ông Kuroda đánh giá Nghị quyết 11 của Chính phủ với các biện pháp thắt chặt tiền tệ, tài khóa để kiềm chế lạm phát là rất phù hợp. Chủ tịch ADB tin tưởng rằng, nếu các chính sách này được thực hiện tốt thì Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát.
Tăng trưởng kinh tế toàn diện
Một thách thức trong trung và dài hạn ở khu vực châu Á được Hội nghị ADB đề cập là khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư đang ngày càng nới rộng. Vì thế, theo ông Kuroda, các thống đốc đã thảo luận nhiều về vấn đề tăng trưởng kinh tế toàn diện cho mọi thành phần trong xã hội. Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận về tăng trưởng xanh, vấn đề biến đổi khí hậu, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Nhiều nước thành viên ADB đã đặt vấn đề về tái cân bằng tăng trưởng theo hướng bảo vệ các nhóm người dân dễ bị tổn thương, để bảo đảm công bằng cho các nhóm dân cư. “ADB thống nhất rằng, cần có nguồn vốn để hỗ trợ bổ sung cho các nền kinh tế kém phát triển hơn. Chúng tôi sẽ đàm phán với các nhà tài trợ để tạo nguồn vốn cho quỹ này” – Chủ tịch Kuroda cho biết.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững trong khu vực, theo ông Kuroda, cách đây vài năm ADB đã đưa ra sáng kiến về năng lượng xanh, đây sẽ là ưu tiên hỗ trợ của ADB trong thời gian tới. Cụ thể là vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, ADB cũng sẽ tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, năng lượng sinh khối… nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính .
Thống đốc NHNN Việt Nam NGUYỄN VĂN GIÀU: Thành công của Hội nghị ADB nâng cao vị thế Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, hiệu quả, Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 lần đầu tiên do Việt Nam đăng cai tổ chức đã hoàn thành tốt đẹp các chương trình nghị sự đề ra. Hội nghị đã quyết định phương hướng hoạt động của ADB trong thời gian tới với nhiều sáng kiến quan trọng vì mục tiêu hợp tác và phát triển; đồng thời tăng cường quan hệ giữa ADB và các nước thành viên cũng như với các đối tác phát triển và các bên liên quan khác.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, một trong những sự kiện góp phần làm nổi bật “dấu ấn Việt Nam” trong khuôn khổ hội nghị năm nay là “Chương trình ngày Việt Nam”. Đây là một trong những sáng kiến của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, mà điểm nhấn của chương trình là hội nghị cấp cao về kinh doanh, thu hút hơn 800 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các học giả, lãnh đạo các tập đoàn tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp lớn quốc tế và trong nước tham dự, minh chứng cho “sự hấp dẫn Việt Nam” - một nền kinh tế năng động và có ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực. Cùng với những thành công tốt đẹp của tất cả các chương trình và nội dung hội nghị, công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam, công tác hậu cần, an ninh, lễ tân khánh tiết... đã được các bộ, ngành, cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp và tổ chức đảm bảo trọng thị và chu đáo.
Chủ tịch ADB, các đoàn đại biểu đã đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, tổ chức rất thành công của nước chủ nhà Việt Nam. “Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 được tổ chức thành công, một lần nữa khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế về một đất nước năng động, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và thân thiện” – Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
BẢO MINH
>> Khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB - Việt Nam sẽ sử dụng nội lực tốt nhất