Kết thúc phim “Ma làng” đơn giản, gượng ép

Kết thúc phim “Ma làng” đơn giản, gượng ép

Bộ phim “Ma làng” dài 19 tập phát sóng trên VTV1 vừa kết thúc vào tối thứ năm 1-11. Nội dung phim xoay quanh một xã hội nông thôn tiêu biểu chuyển mình vào thập niên 80 với biết bao câu chuyện đời phức tạp. Dựa vào tiểu thuyết cùng tên của Trịnh Thanh Phong, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cố gắng chuyển thể, tái hiện một thuở đã qua với không ít trăn trở…

Kết thúc phim “Ma làng” đơn giản, gượng ép ảnh 1

Diễn viên Bùi Bài Bình (trái), vai chủ tịch xã Phạm Tòng trong phim “Ma làng”.

Ngay từ phần đầu, cách giới thiệu tên phim “Ma làng” qua kỹ thuật đồ họa vi tính, tương đối tạo ấn tượng tò mò cho người xem: một chút huyền ảo, một chút hiện thực trong không gian “đêm”, không gian “sương mù” ở làng Băm Dương.

Bối cảnh ấy là câu chuyện một thời chuyển biến, đổi mới tư duy kinh tế, năng động tìm cách làm ăn, thoát khỏi đói nghèo của một nông thôn vùng trung du.

Nhiều vấn đề gai góc, nhức nhối của một thời được đặt ra nhưng các nhà làm phim sử dụng “độ nén” thời gian những năm 80 trước thời kỳ đất nước đổi mới và không gian làng quê đã tạo được khoảng lặng để người xem suy nghĩ, sống cùng thế giới nhân vật trong phim.

Mổ xẻ một trong những nguyên nhân làm trì trệ cuộc sống nông thôn, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã mô tả gương mặt một cán bộ xã thoái hóa, lợi dụng chức quyền và sẵn sàng tung các thủ đoạn gian giảo, độc ác để thăng tiến một cách ung dung.

Từ vai trò một thư ký, Phạm Tòng leo dần đến cái ghế chủ tịch xã và kéo theo đằng sau hắn ta là cả dây mơ rễ má họ hàng được cất nhắc làm tay chân, ngấm ngầm ăn cánh, chia chác quyền lợi, góp phần làm nghèo cho xã Băm Dương.

Che đậy bên ngoài một lớp vỏ cán bộ xã cần mẫn, tận tụy với công việc nhưng thực chất, thế lực “Bá Kiến kiểu mới” của Phạm Tòng làm dân làng Băm Dương vừa căm ghét vừa kiêng sợ.

Đối lập với Phạm Tòng là Tâm và Nghiệp, hai gương mặt tiêu biểu cho những nhân tố mới đang xuất hiện, mở đầu cho cách suy nghĩ mới, hết sức nhiệt tình, tâm huyết với công việc sản xuất, làm ăn kinh tế mang lại lợi ích thực thụ cho bà con trong làng.

Để rồi, chính trên lối đi mới mẻ đầy táo bạo này, họ đã trở thành “lực lượng đối đầu nguy hiểm” với chủ tịch xã Phạm Tòng. Những tình huống xảy ra trong thời điểm nhập nhoạng, cái xấu còn thao túng, cái mới chưa được khẳng định đã kéo theo không ít câu chuyện bi kịch từ gia đình đến xã hội.

Đối với anh bộ đội Tâm, sau khi phục viên, công việc từ bên ngoài xã hội đến bên trong gia đình cũng khá ngổn ngang. Anh bất đồng quan điểm với ông Tĩnh, người bố đảng viên sống khá nguyên tắc, khắc khổ đến vị kỷ qua cách ứng xử với vợ con và những người xung quanh.

Với vai trò chủ nhiệm mới của hợp tác xã, Tâm lo toan chuyện khai hoang đất đồi, vừa tìm cách giúp người dân vay vốn canh tác, sản xuất trong tình cảnh kinh tế khá khó khăn.

Còn bi kịch trong gia đình Nghiệp là cái chết đau thương của mẹ anh, là bản thân anh bị bắt phải đi tù oan, làø bị kẻ xấu phá hoại đầu độc “thuốc chết” đàn bò với ý đồ làm cho anh nếu không phát điên cũng nhụt chí…

Chuyện trong phim là bóng dáng một thời đã qua. Một thời đã qua được thể hiện sinh động xoay quanh hai tuyến nhân vật trung tâm đối lập. Phim gợi được sự thú vị cho người xem qua nét diễn thâm trầm, tinh tế và “rất đời” của diễn viên Bùi Bài Bình trong vai chủ tịch xã Phạm Tòng.

Khác với gương mặt “chuyên trị” vai người tốt, người hiền, Bùi Bài Bình lần này nhập vai chủ tịch Phạm Tòng với tính cách vừa nham hiểm, khôn ngoan vừa ti tiện, độc ác, tạo được ấn tượng mạnh đối với người xem.

Đan xen trong nhiều trường đoạn căng thẳng, hai diễn viên Hồng Sơn cũng khá xuất sắc trong vai ông Dỏ và diễn viên Kim Oanh, vai bà Ló với tính cách hài, ngôn ngữ đời thường, đậm tính tiếu lâm, vừa tạo màu sắc dí dỏm, tươi vui nhưng cũng không kém phần sâu sắc của dân gian thời đại mới.

Tạo được sự thú vị, cuốn hút khán giả theo dõi từng tập là điểm son thành công đáng kể của bộ phim “Ma làng”. Chỉ đáng tiếc ở phần kết thúc khép lại “câu chuyện làng Băm Dương ngày ấy…” hơi đột ngột, làm thất vọng không ít người xem khi các nhà làm phim tỏ ra sử dụng “quá liều” sắc màu dân gian cho phim: Chủ tịch xã Phạm Tòng sau khi gây ra bao tội lỗi, tội ác, đến kết phim được giải quyết bằng cái chết do rắn độc cắn! Ất, cậu con trai hư đốn, có mầm mống độc ác chẳng kém gì cha, cuối cùng cũng hóa điên loạn (để hậu quả là gánh nặng cho cô Sứt, người vợ tàn tật, luôn bị Ất khinh nhờn, đánh đập)!

Đoạn kết phim đã làm người xem có cảm giác các nhà làm phim xử lý đơn giản, gượng ép vấn đề theo kiểu ác giả, ác báo, quả báo nhỡn tiền như mô típ xưa của truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông, Tấm Cám…!  

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục