Trước đó, mặc dù hầu hết các ý kiến đại biểu đều đề nghị thông qua Luật theo quy trình ba kỳ họp như đề nghị của cơ quan thẩm tra, song Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm – đại diện cơ quan soạn thảo - vẫn đề nghị thông qua theo quy trình hai kỳ họp.
Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật Thi hành án hình sự lần này được sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và đặc biệt đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các đạo luật tư pháp đã được ban hành, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.
“Nếu dự án luật này không được thông qua sớm thì một số quy định đã có hiệu lực trong các đạo luật này không được thực hiện cụ thể như việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, việc tha tù trước thời hạn có điều kiện, việc thi hành việc cải tạo không giam giữ, thực hiện án treo”... Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu. |
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công an, những quy định sửa đổi, bổ sung trong thi hành án thể hiện những điểm tiến bộ thực hiện quyền công dân trong Hiến pháp. “Chúng tôi biết, nếu thông qua tại hai kỳ họp, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định sẽ rất vất vả, nhưng tôi thấy những cái vất vả đó có thể khắc phục được, sớm khắc phục được. Còn nếu thông qua trong 3 kỳ họp mất khoảng 2 năm thì cuối năm 2020, thậm chí năm 2021 luật này có hiệu lực thì thời gian bị kéo dài", Bộ trưởng Tô Lâm giải trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, mặc dù đã có nhiều điểm mới nhưng nội dung của dự án luật này vẫn đang còn nhiều điểm quy định còn khá chung, chưa rõ được cơ chế, thủ tục, trình tự, trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ trong một số chế định nên cần được các cơ quan phối hợp làm rõ hơn, cụ thể hơn để bảo đảm khả thi khi triển khai thực hiện.
Đó là những vấn đề như thi hành án đối với pháp nhân thương mại, quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, người chấp hành án, nhất là những vấn đề mới như quyền kết hôn, quyền hiến mô bộ phận cơ thể người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Đó còn là những quy định về lao động của phạm nhân, trong trại tạm giam hay ngoài khu vực tạm giam, quyền, nghĩa vụ, quản lý lao động của phạm nhân; thi hành án đối với người chưa thành niên người nước ngoài, trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo mẹ hoặc cha ở trong các trại giam, trại tạm giam…
“Đại biểu cũng có lý của đại biểu, nhưng cũng có ý của bộ trưởng nói, nếu bây giờ thông qua ba kỳ họp thì sẽ có độ vênh quá dài về thời hiệu giữa Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và một số luật khác với luật này” Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nói và yêu cầu thực hiện xin ý kiến ĐBQH bằng hình thức gửi phiếu. |
ĐB Thu Trang cho rằng, việc quy định thời hạn ân giảm tử hình là hợp lý, vì đây không phải một giai đoạn tố tụng, mà là chính sách nhân đạo với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng thực tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nên khi nghiên cứu sửa đổi Luật Thi hành án hình sự cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Chia sẻ quan điểm này, ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) cũng cho biết, ông nhận được phản ánh của giám thị, quản giáo về một số vướng mắc, khó khăn trong thi hành án tử hình. Bởi lẽ, thời gian giam giữ người tử hình kéo dài gây áp lực lớn cho cán bộ quản giáo, trong khi, người bị kết án tử hình có tâm lý không bình thường, không quản lý chặt chẽ sẽ tự sát, bỏ trốn... “Dự án luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) cần quy định cụ thể thời gian sau bao nhiêu ngày gửi đơn xin ân giảm mà không nhận được kháng nghị thì sẽ phải thi hành án” – ĐB Bế Minh Đức kiến nghị.