- Hỏi: Vườn trồng sầu riêng có 5 giống: khổ qua xanh, sữa hạt lép, Chín Hóa, Ri6 và Mongthon; 4 giống trước trái vẫn ngon bình thường, riêng giống Mongthon đã cho trái 2 vụ, nhưng trái đều bị sượng, cơm mỏng. Xin cho biết nguyên nhân và cách khắc phục.
Trần Văn Hai
tổ 3, ấp 2, xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Trả lời: Đây là cây trồng lâu năm, có thể trồng nhiều đất khác nhau, phương pháp chăm sóc, bón phân cũng như việc cung cấp các loại dinh dưỡng qua lá ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái. Trong đất, hàm lượng các chất dinh dưỡng cũng khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, cần nắm đặc điểm sinh trưởng và phát triển của sầu riêng, biết được vai trò các nguyên tố hóa học ảnh hưởng đến chất lượng trái trong quá trình chăm sóc.
Thời kỳ nuôi trái, lá non và trái có sự cạnh tranh chất dinh dưỡng, làm trái phát triển kém, dẫn đến tình trạng một số múi bị sượng. Do đó trong thời kỳ nuôi trái không nên bón đạm, do kích thích chồi non phát triển, ảnh hưởng đến trái. Có thể phun định kỳ phân bón lá multi-K (13-0-46) pha 150g/10 lít nước, cách 10-15 ngày/lần, phun liên tục 3-4 lần sau khi đậu trái để ức chế sự phát triển đọt non. Chất Clo có thể làm cho sầu riêng bị sượng, tránh dùng loại phân có nhiều chất này như KCL (kali muối ớt). Khi dùng kali cho sầu riêng, nhất là thời kỳ trái đang phát triển, nên dùng K2SO4 (sulphate kali), không nên dùng các loại phân hỗn hợp có kali vì các phân này cũng có khi được trộn từ KCL.
Khi đa số trái to bằng quả trứng có thể bón gốc 200gr DAP + 100gr K2SO4 + hữu cơ/gốc. Dinh dưỡng chất khoáng không cân đối, thiếu calcium (Ca), magnesium (Mg) thường gây sượng. Khảo sát 78%-80% trên dòng D24 ở Malaysia, triệu chứng màu múi không đều (xanh xám đến trắng). Múi chưa chín ít mùi, vị lạt, kết cấu cứng. Ở múi bị hư vỏ hạt bị nứt. Trái càng lớn tỷ lệ chín không đều càng cao và nghiêm trọng hơn so với trái nặng dưới 1kg. Kinh nghiệm ở Malaysia cho thấy, hiện tượng này liên quan đến thiếu canxi.
Ở đợt thúc phân lần 2, sau lần bón ở trên 15-20 ngày bón cho 1 cây 200g ure sữa (nitarte calcium), hiện nay, có sản phẩm của Nam Phi hiệu quả cao, không bị hút ẩm (chảy nước) được nhiều bà con nông dân sử dụng. Tiếp đó, hòa nước sản phẩm poly-feet 15-15-30 với lượng 40-80gr/10 lít nước, phun ướt cả tán lá và chùm trái, sau 10-15 ngày phun lại, giúp trái lớn, vỏ trái tròn đều, đẹp hơn (bổ sung các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cây).
Chú ý: Sau lần bón phân nuôi trái lần 2, không nên bón phân nuôi trái tiếp tục nữa dù là phân hữu cơ hay vô cơ, vì dễ gây hiện tượng sượng. Bà con cần lưu ý, không bón nhiều đạm và Kali đỏ sẽ gây sượng trái, vỏ dày cứng, không để khô rồi tưới nhiều nước đột ngột, nếu gần thu hoạch có mưa nhiều nên làm rãnh, tạo điều kiện thoát nước càng nhanh càng tốt, có điều kiện thì nên phủ gốc, rút nước mương.
Ở tuần thứ 9 sau khi đậu trái (thời gian từ khi hoa nở đến khi quả lớn tối đa là 12-13 tuần, 15-16 tuần thì quả chín), tránh dùng các loại phân bón thông thường và các loại kích thích sinh trưởng, có thể sử dụng các sản phẩm chứa canxi, kali và vi lượng cùng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh, chú ý liều lượng sử dụng ghi trên bao bì. Đây là ghi nhận từ các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, những kinh nghiệm được đúc kết trên các vùng trồng sầu riêng ở VN để bà con đối chiếu lại và áp dụng.
KS Bùi Khánh Trường
(Công ty TNHH Một thành viên BVTV Sài Gòn)