Lúa hè-thu ở đồng bằng sông Cửu Long

Khắc phục tình trạng sụt giảm năng suất

Khắc phục tình trạng sụt giảm năng suất

Hiếm khi năng suất lúa vụ đông-xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long bị giảm như năm nay (giảm khoảng 2 tạ/ ha, tương đương giảm 203.000 tấn so cùng kỳ năm trước). Vì vậy, bước vào vụ lúa hè-thu không thể xem thường khi thời tiết thất thường, sâu bệnh có nguy cơ bùng phát, nhất là bệnh rầy nâu phát triển, mang virus gây bệnh lùn xoắn lá không thể chữa trị, làm ảnh hưởng đến năng suất cây lúa... Nếu năng suất và sản lượng lúa hè-thu tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực và lượng gạo xuất khẩu.

  • Thời vụ “tránh ló đầu ló đuôi”

Khắc phục tình trạng sụt giảm năng suất ảnh 1

Trồng thử nghiệm các giống lúa để tuyển chọn giống năng suất và chất lượng cao hoặc kháng rầy tại Trung tâm Thử nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười.

Diện tích lúa vụ đông-xuân nhiễm rầy khá cao và đang lây nhiễm qua diện tích lúa xuân - hè (hè-thu sớm), cảnh báo nguy cơ lây lan sang cả lúa hè-thu chính vụ. Vụ lúa quan trọng thứ 2 nhưng lại có diện tích lớn nhất (1,53 triệu ha so với 1,489 triệu ha vụ ĐX).

Các dấu hiệu ngay từ đầu năm cho thấy, vụ hè-thu này cũng sẽ gặp không ít khó khăn về thời tiết: nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn đầu vụ và vùng trũng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười thường có lũ về sớm, gây ngập lụt cuối vụ.

Vì vậy theo Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, áp dụng tốt phương châm gieo sạ đồng loạt “tránh ló đầu, ló đuôi”, thực hiện nghiêm ngặt thời vụ, xử lý tốt các tình huống và sử dụng giống ngắn ngày, bên cạnh việc củng cố hệ thống đê bao lửng, bảo vệ lúa hè-thu nếu có lũ về sớm.

Để hạn chế dịch bệnh, Tiến sĩ Mai Thành Phụng lưu ý bà con nông dân tuyệt đối không được bón dư đạm vào vụ này, vì sẽ gây hại nhiều lần, khi mà nguy cơ sâu bệnh rất cao. Chỉ cần 20-40 kg/ ha tùy ruộng là phù hợp và tối đa là 50 kg/ ha. Nếu cần thêm thì có thể xịt phân bón lá. Chỉ thu hoạch khi lúa chín từ 85%-90% để có được năng suất và chất lượng cao nhất, lúc đó tỷ lệ hao hụt (vì rụng hạt) sẽ ít nhất.

  • Giống chủ lực không quá 40% diện tích

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng khuyến cáo các tỉnh chú ý cơ cấu các loại giống phù hợp từng địa bàn, chú ý phòng trừ sâu bệnh (nhất là bệnh lùn xoắn lá, rầy nâu). Vụ hè thu có khoảng 5-6 giống chủ lực, trong đó, nguyên tắc chung là không để cơ cấu giống chủ lực nào chiếm diện tích quá lớn (trên 40% diện tích), riêng diện tích giống lúa nhiễm rầy nâu không được quá 10% diện tích gieo trồng toàn vùng (khoảng 1,53 triệu ha) để duy trì tính đa dạng về di truyền.

Ngoài ra phải kết hợp với biện pháp quan trọng hàng đầu trong tình hình hiện nay là thường xuyên thăm đồng, cùng với việc áp dụng biện pháp thâm canh tổng hợp, chú trọng đến 3 giảm (giống, thuốc, phân bón), 3 tăng (sản lượng, năng suất và lợi nhuận) để quần thể rầy nâu được kiểm soát tốt nhất. Việc sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng cần được thực hiện nghiêm ngặt nhằm đem lại hiệu quả tối đa.

Nếu bà con nông dân tuân thủ và thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm tình hình sâu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời, tình hình còn nằm trong tầm kiểm soát thì việc khống chế sẽ không quá khó khăn so với thời kỳ thập niên 1980 và 1990.

Nếu chễnh mãng việc thăm đồng sẽ dễ bị thất bại, và việc trị sâu rầy tốn kém hơn rất nhiều so với chủ động phòng ngay từ đầu. Từ đó, tăng cường các biện pháp để có thể nâng cao năng suất và sản lượng lúa hè-thu lên khoảng 7,5 triệu tấn lúa, lúc đó mới có thể nói đến việc bù lại sản lượng thiếu hụt vụ đông-xuân.

* Tiến sĩ Phạm Sỹ Tân, Viện Phó Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng, từ năm 2000 đến nay năng suất lúa vùng ĐBSCL tăng bình quân 1-1,5 tạ/ ha/ năm. Tiềm năng sản lượng và năng suất lúa vùng này còn có thể phát triển thêm, nhưng để tăng thêm sản lượng không chỉ chú ý đến giống lúa. Vì giống chỉ ở mức độ nhất định, và cơ hội để cải tạo giống cho năng suất cao ngày càng nhỏ đi.

Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay trong việc làm tăng sản lượng lúa là áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tập huấn nông dân để thu hẹp khoảng cách giữa nông dân sản xuất giỏi (có năng suất cao) với nông dân bình thường và kém (năng suất thấp) xuống dưới 0,5 tấn/ ha (như Thái Lan), khoảng cách này hiện nay ở vùng đồng bằng sông Cửu Long lên đến 1,5 tấn/ ha. 

CÔNG PHIÊN
 

Tin cùng chuyên mục