Hoàn tất bộ quy tắc
Theo kênh truyền hình Al Jazeera, khoảng 25.000 đại biểu sẽ tham gia hội nghị kéo dài gần 2 tuần. Chương trình chính của COP 25 là nỗ lực hoàn tất bộ quy tắc triển khai Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, để hiệp định này có thể được thực hiện từ năm 2021. Mục tiêu của Hiệp định Paris là duy trì mức tăng nhiệt độ trái đất không vượt ngưỡng 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, hiệp định cũng đặt mục tiêu yêu cầu các nước giàu đóng góp khoản ngân quỹ 100 tỷ USD/năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng tái tạo.
COP 25 được trông đợi sẽ chứng kiến những cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo thế giới. Sự kiện năm nay có được một nền tảng cổ vũ vững chắc từ sự gia tăng làn sóng kêu gọi bảo vệ môi trường và khí hậu thông qua các phong trào như Extinciton Rebellion tại Anh, phong trào Thứ Sáu vì tương lai do nhà hoạt động trẻ tuổi Greta Thunberg khởi xướng; là những cam kết vững chắc từ châu Âu quyết đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cùng những cảnh báo đầy sức nặng từ báo cáo của giới khoa học. Tuần trước, Tổ chức Khí tượng thế giới cho hay, nồng độ khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng trong năm 2018 ở mức kỷ lục trong lịch sử nhân loại (407.8ppm). Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã ra tuyên bố về tình trạng “khẩn cấp khí hậu”, điều mà hơn 11.000 nhà khoa học đến từ 150 quốc gia đã báo động từ tháng 11 năm ngoái.
Vấn đề còn tồn đọng
Alberto Mataran Ruiz, chuyên gia về khoa học môi trường tại Đại học Granada (Tây Ban Nha), nhận định: “Việc nồng độ CO2 gia tăng là chỉ dấu cho thấy những biện pháp mà chính phủ các nước trên thế giới áp dụng không đạt hiệu quả”. Trong 3 năm qua, để có thể thực hiện Hiệp định Paris, các bên đã nỗ lực tháo gỡ rất nhiều vướng mắc, nhưng vẫn còn 2 vấn đề tồn đọng. Đầu tiên là cấu trúc của các thị trường carbon và làm sao để kiểm soát tín dụng carbon tích lũy theo Nghị định thư Kyoto sau khi kích hoạt Hiệp định Paris. Đây là vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa một bên là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và đặc biệt là Brazil với một bên là các quốc gia giàu có phản đối chuyển tiếp các mức tín dụng cũ sang hiệp định mới và quan ngại về tác động môi trường của cách tính toán này. Nếu các thị trường carbon không được thiết kế một cách hợp lý thì có thể dẫn tới tác động ngược, khiến tổng lượng khí thải toàn cầu cuối cùng lại tăng lên.
Vấn đề thứ hai và cũng có thể là điểm quyết định việc các quốc gia có thể nhất trí một văn kiện chung, đó là “tổn thất và thiệt hại”. Theo Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu thông qua năm 1992, các quốc gia giàu có thống nhất gánh vác phần trách nhiệm lớn hơn trong hạn chế nhiệt độ tăng toàn cầu và để giúp đỡ các nước đang phát triển chuẩn bị cho những tác động không tránh khỏi trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn chưa có điều khoản nào về hỗ trợ cho các nước hiện đang phải đối phó với nạn hạn hán, lũ lụt và mưa bão ngày càng trở nên tồi tệ hơn do tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu. Một cơ chế mới từng được thiết lập vào năm 2012, với mức thiệt hại ước tính khoảng 150 tỷ USD/năm tính tới 2025, thì tới nay vẫn chưa thống nhất được nguồn gây quỹ hỗ trợ hay khẳng định việc hỗ trợ này là cần thiết. Trong khi đó, bản thân Hiệp định Paris cũng không ít lần nhận những cảnh báo rằng “không đủ” để đảo ngược quá trình biến đổi khí hậu.