Đúng 8 giờ sáng 1-10, sau khi dàn trống, cồng chiêng tấu bản nhạc lễ, hiệu lệnh “Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long” đã vang lên bên tượng đài Lý Thái Tổ uy nghiêm, mở màn cho 10 ngày đại lễ.
Đến dự lễ khai mạc đại lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng - Nhà nước, các bộ ban ngành và lãnh đạo TP Hà Nội. Đến dự còn có các đồng chí lão thành cách mạng và đại diện đông đảo các tầng lớp nhân dân thủ đô.
Sau hiệu lệnh đại lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thắp lửa thiêng nơi tượng đài Lý Thái Tổ. Tiếp đó, trong tiếng trống, tiếng chiêng trầm hùng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội kính cẩn dâng hương dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, thể hiện niềm biết ơn vô hạn đối với người có công khai sáng kinh thành Thăng Long.
Dưới trời thu Hà Nội, bên Tượng đài Lý Thái Tổ uy nghiêm và hồ Gươm huyền thoại, trong giờ phút trang trọng ngàn năm có một, phát biểu khai mạc đại lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Những công dân của thủ đô Hà Nội, của Tổ quốc Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài bày tỏ lòng thành kính và biết ơn công lao trời biển của các bậc tiền nhân đã hiến dâng trí tuệ, sức lực và máu xương trong cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước, cùng chung tay góp sức xây dựng Thăng Long - Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Đúng 1.000 năm trước, vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô. Từ buổi bình minh dựng nghiệp lớn, từ ánh hào quang của rồng vàng bay lên trên sóng nước sông Hồng, Đức vua đã nhìn thấy vầng dương của vận nước: “Thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng chầu, hổ phục, đã đúng ngôi Nam - Bắc - Đông - Tây, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng, tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; đúng là nơi định đô bậc nhất của kinh sư muôn đời”.
Diễn văn của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, cuộc dời đô lịch sử từ vùng đất Hoa Lư núi non trùng điệp về trung tâm châu thổ sông Hồng là bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc Việt Nam, khẳng định ý chí xây nền độc lập, thống nhất quốc gia, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của Đại Việt. Lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội không ngừng được bồi đắp bằng những kỳ tích oai hùng.
Đồng chí Phạm Quang Nghị khẳng định: “Với tư thế của rồng vàng bay lên năm xưa, các thế hệ con Lạc cháu rồng thời đại Hồ Chí Minh, chủ nhân của một giang sơn hùng vĩ, một đất nước được sống trong độc lập, tự do đang ra sức tiến hành công cuộc đổi mới, vững tin bước tới tương lai, xây dựng thủ đô và đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước”.
Ngày 1-10, trong lễ khai mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới cho khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO: Trái tim của chúng ta hòa cùng một nhịp đập Hôm nay tôi vô cùng vinh dự được mặc chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam và cùng các bạn kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hôm nay là một ngày tràn đầy niềm vui và tự hào đối với toàn thể người dân Việt Nam. Trái tim của chúng ta hòa cùng một nhịp đập và tôi tin rằng thần Kim Quy và các cụ rùa cũng đang lắng nghe chúng ta từ hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng quý giá về hòa bình của mọi người dân Việt Nam. UNESCO luôn có mối quan hệ chặt chẽ với Hà Nội. Năm 1999, UNESCO đã trao tặng thủ đô Hà Nội giải thưởng “Thành phố vì hòa bình”. Đại hội đồng UNESCO cũng đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước trên thế giới cùng với Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại lễ ngày hôm nay. Đại lễ thể hiện sự kính trọng sâu sắc của chúng ta đối với tổ tiên, những người có công dựng nước và giữ nước. Rất ít quốc gia trên thế giới có thể gìn giữ được những ký ức sống động về việc lập đô từ 1.000 năm trước mà không bị mai một theo thời gian. Tôi rất ngưỡng mộ các bạn về điều này. Kể từ ngày hôm nay, các bạn có trách nhiệm với nhân loại trong việc quảng bá, bảo vệ và truyền lại di sản này cho các thế hệ tương lai, cho giới trẻ, để rồi đến lượt mình họ lại kể cho con cháu nghe câu chuyện về vua Lý Thái Tổ, với bức tượng đang hiện diện ở đây. ... Chúc thiên niên kỷ mới mang đến cho các bạn hòa bình và thịnh vượng. |
PHAN THẢO