Đến dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.
Chuyên đề đặc biệt “Dấu ấn khai phá vùng đất Nam bộ qua hiện vật bảo tàng” giới thiệu những hiện vật tiêu biểu, được chọn lọc từ hơn 130 bộ sưu tập trong hơn 374.000 tài liệu, hiện vật mà bảo tàng đang lưu giữ. Đó là những hiện vật mang dấu ấn lịch sử về quá trình hình thành và phát triển TPHCM nói riêng và vùng đất Nam bộ nói chung. Triển lãm lấy năm 1689 làm mốc thời gian dẫn dắt người xem đến với kho tư liệu lịch sử. Ngoài những tấm bản đồ quý hiếm của Sài Gòn xưa (từ năm 1623), trong chuyên đề đặc biệt này, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập 24 ấn tín và triện của thời nhà Nguyễn, được đúc trong khoảng thời gian từ năm 1790 - 1801 và được lưu giữ như mới; hàng chục sắc phong, chỉ dụ, tờ truyền... Theo lãnh đạo Bảo tàng TPHCM, đây là những hiện vật rất quý hiếm, chưa từng được trưng bày, sẽ là nguồn sử liệu quan trọng, góp phần làm rõ thêm các giai đoạn lịch sử của vùng đất Nam bộ. Trong đó, một số hiện vật quý đang được hoàn thiện hồ sơ công nhận là bảo vật quốc gia.
Dịp này, Bảo tàng TPHCM cũng tiếp nhận 1.186 tài liệu, hiện vật, phim ảnh của các cán bộ lão thành cách mạng, các tổ chức cá nhân, trong đó có nhóm hiện vật về văn hóa dân gian của nhà nghiên cứu và sưu tập Trương Ngọc Tường; phim ảnh thời kháng chiến chống Mỹ của cố nghệ sĩ Dương Thanh Phong, đạo diễn Nguyễn Quế; đặc biệt là các máy chụp ảnh, nhiều tư liệu phản ánh về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trong lòng địa đạo Củ Chi.