Sáng nay, 9-10, các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã bắt đầu tại Tokyo, Nhật Bản, với sự tham gia của gần 20.000 quan chức chính phủ, giới chủ doanh nghiệp và các thống đốc ngân hàng trung ương, thảo luận nhiều vấn đề từ cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng euro (eurozone) và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, cho đến các biện pháp hỗ trợ các nước đang phát triển. Sự kiện này diễn ra trong một tuần.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của 7 nước phát triển thuộc nhóm G-7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ) sẽ nhóm họp vào ngày 11-10. Các thành viên châu Âu sẽ giải thích về cách thức giải quyết khủng hoảng nợ công. Dự kiến, Mỹ sẽ công bố chính sách tài chính của mình trong bối cảnh xuất hiện mối lo ngại về một "vực thẳm tài chính" liên quan đến cắt giảm thuế thu nhập và giảm chi tiêu hàng loạt vào đầu năm 2013, trong khi Nhật Bản sẽ đề cập đến những lo ngại về đồng yên mạnh tác động tới xuất khẩu.
Cũng trong ngày 11-10, Chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp nhằm nghiên cứu cách thức giải quyết các vấn đề liên quan đến nợ của Mianma. Nhật Bản - chủ nợ lớn nhất của Mianma - hồi tháng 4 đã cam kết sẽ xóa một phần nợ cho Mianma với một số điều kiện, đồng thời tiếp tục cấp các các khoản vay mới, và đề nghị các chủ nợ khác, trong đó có WB và các nước châu Âu, có những bước đi tương tự.
Ngày 12-10, các Bộ trưởng Tài chính G-8 (G-7 và Nga) sẽ họp bên lề hội nghị thường niên của IMF-WB. Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế (IMFC) - cơ quan hoạch định chính sách của IMF, và Ủy ban Phát triển - một diễn đàn chung của IMF và WB, sẽ lần lượt họp trong ngày 13-10. IMFC tiếp tục thảo luận về cải cách trong IMF nhằm tăng tiếng nói của các nền kinh tế đang phát triển.
Cuộc cải cách này đòi hỏi sự chấp thuận của ít nhất 113 thành viên (tức 85% số phiếu bầu). Riêng Mỹ có phiếu bầu tương đương 16,73%, nghĩa là mọi cải cách để được thông qua đều không thể thiếu sự ủng hộ của nước này. Các thành viên mới nổi như Braxin và Trung Quốc đã kêu gọi IMF nhanh chóng thực thi cải cách, đồng nghĩa với việc những nước này phải tăng phần đóng góp của mình vào IMF.
Hội nghị thường niên IMF-WB 2012 ban đầu dự kiến tổ chức tại Ai Cập, nhưng bất ổn chính trị ở nước này đã khiến Chính phủ Ai Cập từ bỏ kế hoạch chủ trì hội nghị. Đây là lần thứ hai Tôkiô tổ chức hội nghị thường niên IMF-WB.
TTX