(SGGPO).- Ngày 12-11, tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, Bảo tàng Lịch sử TPHCM đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Nghệ thuật ứng dụng trong văn hóa trà phương Đông”.
Trưng bày giới thiệu đến đông đảo công chúng những nét đẹp trong văn hóa trà của một số nước phương Đông qua 267 hiện vật là các dụng cụ thưởng trà tiêu biểu (trà cụ) của một số bộ sưu tập được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và các nhà sưu tập tư nhân.
Trưng bày giới thiệu 3 nhóm hiện vật chính: Nhóm trà cụ Trung Quốc với 97 hiện vật, giới thiệu các loại ấm trà Tử Sa Nghi Hưng, bình trà, hộp đựng trà… bằng gốm được tráng men ngũ sắc, túy hồng, nhiều màu hay đồ pháp lam với hình dáng nho nhã, màu sắc rực rỡ đã góp phần tái hiện một phần nghệ thuật thưởng thức trà, pha trà với tư tưởng “uống trà tu đạo” của người Trung Quốc.
Với nét tao nhã, xinh đẹp của các dụng cụ pha trà và uống trà theo nguyên tắc “hòa kính thanh tịch” của Nhật Bản, nhóm trà cụ Nhật Bản với 48 hiện vật là các bộ đồ trà hoàn chỉnh có xuất xứ từ sản phẩm gốm bản địa Nhật Bản và dòng gốm Annam Yaki (gốm An Nam) – là loại gốm hoa lam của các lò gốm Chu Đậu ở Đàng ngoài thời Lê- Mạc (thế kỷ 16-17) được xuất khẩu sang thị trường Nhật.
Không cầu kỳ như trà đạo của Nhật Bản, cũng không phô trương như nghệ thuật trà Trung Quốc, văn hóa trà Việt giản dị và đơn sơ như chính đời sống và tâm thức của người Việt. Nhóm trà cụ Việt giới thiệu đến công chúng 122 hiện vật khá phong phú: từ các bộ sưu tập gốm cổ thời Lý (thế kỷ 11-13), thời Trần (thế kỷ 13-15), gốm Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất (thế kỷ 19) hay các dòng gốm nổi tiếng của Việt Nam như Chu Đậu, Bát Tràng ở miền Bắc, Lái Thiêu ở miền Nam… Bên cạnh các bộ hiện vật trà cổ, chuyên đề còn giới thiệu một số bộ trà mới của công ty gốm sứ Minh Long mang phong cách hiện đại, hoa văn cổ điển, gần gũi với văn hóa truyền thống Việt Nam. Công chúng còn được tìm hiểu về văn hóa thưởng trà của người Việt qua nghệ thuật pha chế và thưởng thức trà…
Trung bày chuyên đề đón khách đến hết tháng 5-2016.
MINH AN