Kết quả rà soát bước đầu
Thống kê quỹ đất nằm trong bán kính từ 500-800m tính từ các nhà ga dọc tuyến metro số 1, UBND quận 2 cho biết, trong khu vực ga Thảo Điền và An Phú có 6 dự án chung cư cao tầng và các khu đất, khu dự án của Công ty cổ phần Phát triển nhà, Công ty cổ phần Xây dựng Phước Thành, Công ty TNHH Nông sản Hải Vương cùng nhiều khu dân cư thấp tầng khác. Ngoài ra, tại đây cũng có các khu đất công trình công cộng như chợ Thảo Điền khoảng 1.700m², Câu lạc bộ bơi lội An Phú do Trung tâm Thể thao quận quản lý với diện tích khoảng 3.674m²…
Đặc biệt, có 2 khu đất công do UBND phường Thảo Điền quản lý: khu đất ở địa chỉ số 13 đường Lê Thước, diện tích gần 2.200m²; khu đất cuối đường số 9, diện tích khoảng 1.400m². Có 2 khu đất công do UBND phường An Phú quản lý: thửa đất số 13 tờ bản đồ số 8, diện tích khoảng 700m²; thửa đất số 13 tờ bản đồ số 1, diện tích khoảng 644m². Ngoài ra còn nhiều khu đất công đang được các tổ chức, doanh nghiệp thuê.
Cũng với nguyên tắc thống kê như trên, UBND quận Thủ Đức cho biết, trên địa bàn quận có 5 nhà ga của tuyến metro số 1, đó là các ga: Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao và Suối Tiên. Bên cạnh Đại học Quốc gia TPHCM, Khu Công nghệ cao…, nhiều khu đất ở đây thuộc quyền sử dụng của các hộ gia đình với hầu hết là nhà đơn lẻ, thấp tầng. Trên địa bàn quận Bình Thạnh có 2 nhà ga của tuyến metro số 1 là Văn Thánh và Tân Cảng. Trong phạm vi bán kính từ 500-800m xung quanh các nhà ga có đất hộ gia đình, đất nhà xưởng, đất trung tâm công cộng…
Theo bà Lương Thu Anh, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm thuộc Sở QH-KT TPHCM (bộ phận được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu đề án hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông), metro là xương sống cho vận tải hành khách. Cùng với đó sẽ có hàng trăm tuyến xe buýt xương cá đưa đón khách từ nhà ga của metro tới các khu dân cư, khu công nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trong TP Thủ Đức. Trong khu đô thị này, người dân có thể đi bộ một cách thuận tiện và an toàn trên vỉa hè, hoặc các lối đi bộ riêng. Đường dành cho người đi bộ sẽ được thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu nóng và nhiều mưa của Nam bộ. TPHCM đặt mục tiêu trong 20 năm nữa, vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu đi lại của người dân Thủ Đức. |
Nên mở rộng hơn nữa
Theo nhiều chuyên gia về đô thị, đây là động thái bước đầu rất đáng ghi nhận của TPHCM trong việc thực hiện mục tiêu kép, là phát triển giao thông công cộng gắn với tái cấu trúc đô thị để vừa tiết kiệm đất vừa tạo điều kiện cho giao thông công cộng phát triển, hướng tới phát triển bền vững. Và cái hay là trong quá trình thực hiện mục tiêu kép, TPHCM tìm được nguồn vốn từ chính việc tổ chức lại không gian đô thị này. Việc này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn.
Thế nhưng, cũng theo các chuyên gia này, TPHCM nên mở rộng bán kính rà soát, thống kê quỹ đất. Điều này, trước hết giúp TPHCM tìm thêm được nhiều quỹ đất công và sau nữa là tạo đà cho việc chỉnh trang đô thị toàn khu vực. Việc chỉnh trang này cũng rất phù hợp với định hướng phát triển thành phố Thủ Đức trong tương lai, lấy vận tải hành khách công cộng là loại hình vận tải chính. Mô hình đô thị phù hợp nhất cho vận tải hành khách công cộng hoạt động hiệu quả là mô hình đô thị nén.
Cách nay gần 10 năm, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị dọc xa lộ Hà Nội được Sở QH-KT TPHCM xây dựng và UBND TPHCM phê duyệt cũng đã xác định rõ, dọc xa lộ Hà Nội sẽ hình thành các đô thị nén. Các cụm đô thị nén sẽ bố trí tại khu vực xung quanh các ga metro để người dân đi lại thuận tiện. Tại các nhà ga cũng sẽ có một mạng lưới xe buýt đưa đón khách đi các khu vực khác trên toàn quận Thủ Đức, quận 2, quận 9… Việc mở rộng biên độ rà soát quỹ đất để vừa chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại, lấy vận tải hành khách công cộng làm phương tiện đi lại chính… là bước đi tiếp theo hoàn toàn phù hợp với Quy chế quản lý kiến trúc mà TPHCM đã ban hành trước đây. Điều này cũng rất “khớp” với định hướng phát triển thành phố Thủ Đức, lấy giao thông công cộng là xương sống mà TPHCM đang hướng tới.
Theo Sở QH-KT TPHCM, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị dọc xa lộ Hà Nội có một số nội dung chính sau: Ranh giới để thực hiện thiết kế đô thị này là suốt dọc trục xa lộ Hà Nội, bắt đầu từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai, dài gần 17km, với chiều rộng khoảng 100-300m tính từ lộ giới đường trở vào sâu trong các khu dân cư. Thiết kế của các nhà ga metro sẽ hiện đại, thân thiện với môi trường và là điểm nhấn về kiến trúc cho cả khu vực, vừa tạo cảnh quan đẹp chung cho TP, vừa hấp dẫn người dân sử dụng vận tải công cộng. Những phần đất công cộng lớn sẽ được nghiên cứu để tìm ra các thiết kế đô thị phù hợp trên tinh thần cố gắng tạo nét riêng biệt cho từng kiến trúc nhằm tô điểm thêm cho vẻ đẹp của TPHCM, nhất là các khu vực nằm gần bờ sông. Chủ trương của lãnh đạo thành phố, cảnh quan sông nước phải là không gian công cộng chung cho tất cả người dân thưởng lãm, hạn chế đến mức tối đa “tư nhân hóa” các khu vực nằm gần sông. Kiến trúc ở đây sẽ là những kiến trúc mở, tạo đường thông ra sông. Các khu dân cư hiện hữu đã có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đúng chuẩn, chất lượng môi trường sống tốt cơ bản sẽ được giữ lại nhưng khi người dân có nhu cầu xây dựng mới sẽ được khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường với các kiến trúc đẹp phù hợp với khung cảnh. |