Khai thác hiệu quả lệnh cấm vận

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Yevgeny Gromyko, 3 năm sau khi Nga áp lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ và phương Tây cho đến nay, giá trị sản xuất hàng thực phẩm trong nước đã đạt 4 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Yevgeny Gromyko, 3 năm sau khi Nga áp lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ và phương Tây cho đến nay, giá trị sản xuất hàng thực phẩm trong nước đã đạt 4 tỷ USD.

Trước đây, người Nga ưa dùng các loại thực phẩm như sữa, phô mai, xúc xích… nhập từ nước ngoài thì nay thói quen này đã thay đổi. Con số trên cho thấy Chính phủ Nga đã khai thác hiệu quả lệnh cấm vận. Bước qua giai đoạn đầu thiếu hụt các sản phẩm thực phẩm của nước ngoài, các kệ hàng trong siêu thị, cửa hàng tại Nga dần dần đã thay thế bằng những mặt hàng trong nước được sản xuất với sự hỗ trợ của chính phủ, có chất lượng cao với giá thành thấp. Sản lượng rau sản xuất tại Nga đã đảm bảo cung cấp được hơn 90% lượng tiêu thụ rau cho cả nước. Một số sản phẩm Nga đã xuất khẩu với sản lượng đứng đầu thế giới như củ cải đường và lúa mì, mở đường cho các ngành trồng trọt khác như bắp, đậu nành và kiều mạch cùng đi lên. Chính sách ưu đãi thuế nông nghiệp của chính phủ đã tạo ra “cơn sốt” khai thác các vùng đất ở vành đai miền Trung nước Nga cùng nhiều khu vực màu mỡ khác. Vài năm trước đây, khó có ai nghĩ rằng một trong những dòng đầu tư nóng nhất cho những người giàu có ở Nga hiện nay chính là đất nông nghiệp.

Từ sự khai thác hiệu quả này, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Nga Aleksander Tkachev đã đề nghị chính phủ tiếp tục thực hiện cấm nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ và các nước phương Tây, bởi đó được xem như một biện pháp giúp thúc đẩy sản xuất hàng thực phẩm trong nước. Theo Bộ Nông nghiệp Nga, những thành tích cao mà ngành nông nghiệp nước Nga đạt được trong thời cấm vận nên tiếp tục duy trì để nông dân và doanh nghiệp Nga có thể chuẩn bị đủ điều kiện để cạnh tranh với hàng nhập khẩu một khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Giới chuyên gia nhận định, đề nghị từ Bộ Nông nghiệp Nga nhiều khả năng sẽ được bật đèn xanh. Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã có tuyên bố muốn kéo dài lệnh cấm vận để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh. Ông Putin kêu gọi các doanh nghiệp Nga, trong đó có ngành sản xuất nông sản hãy mạnh dạn thiết lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thủ tướng Medvedev cũng cho rằng, lệnh cấm là cần thiết trong bối cảnh nước Nga đang cần phát triển ngành nông nghiệp và công nghiệp để cạnh tranh với phương Tây.

Theo sắc lệnh đã ký vào giữa năm ngoái của Tổng thống Putin, lệnh cấm sẽ chấm dứt vào cuối năm nay. Như vậy, nếu đề nghị Nga kéo dài lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm thì cũng đồng nghĩa với việc Mỹ và phương Tây sẽ kéo dài cấm vận với Nga. Giới phân tích nhận định rằng, do nền kinh tế Nga đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế và đã gặt hái được nhiều thành quả nên việc dỡ bỏ cấm vận có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trước thực tế này. Nỗ lực đưa một nền kinh tế nông nghiệp từ bước lạc hậu trở thành mũi nhọn đã giúp Chính phủ Nga đạt được mục tiêu chuyển các mối quan hệ kinh tế khỏi khu vực phương Tây và hướng tới những thị trường mới nổi. Việc duy trì lệnh cấm vận và giảm thị phần của thực phẩm nhập khẩu giúp nước Nga giữ lạm phát ở mức ổn định và bớt phụ thuộc hơn vào chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục