Khai thác phố đi bộ Nguyễn Huệ kém hiệu quả

Đủ kiểu kinh doanh
Khai thác phố đi bộ Nguyễn Huệ kém hiệu quả

Phố đi bộ tại các nước trên thế giới là điểm nhấn quan trọng trong thiết kế đô thị nhằm hút khách du lịch. Đó có thể là tuyến đường mua sắm độc đáo hay một không gian yên ả, thanh bình để du khách lắng đọng với các hoạt động nghệ thuật, giải trí nhẹ nhàng… Phần lớn du khách đến đây còn đông hơn khách địa phương. Trong khi đó, phố đi bộ Nguyễn Huệ tọa lạc khu trung tâm quận 1, TPHCM sau hơn một năm rưỡi đưa vào khai thác vẫn chưa định hình hoạt động.

Lộn xộn, bát nháo

Với tổng kinh phí đầu tư khoảng 430 tỷ đồng, phố đi bộ Nguyễn Huệ trải dài từ đường Lê Thánh Tôn chạy thẳng đến bến Bạch Đằng, dài 670m, rộng 64m. Do lượng cây xanh trồng trên tuyến đường này quá thưa thớt nên ban ngày trời nắng nóng, phố đi bộ vắng người! Đến chập tối, người dân TP đổ xô ra con phố này rất đông, nhất là cuối tuần, lên đến cả ngàn người. Người thì dạo bộ, hóng mát, nhóm thì đá cầu, không ít người tụ tập trải giấy báo, áo mưa, mang thức ăn ra tổ chức ăn uống. Và cũng không khó để bắt gặp hình ảnh các bà mẹ, người giúp việc những gia đình sống xung quanh khu vực  mang trẻ em ra đút cơm ăn. Thậm chí, một số người còn dắt chó ra phóng uế trên con phố đang được xây dựng mang hình ảnh văn minh, hiện đại.

Nếu như phố đi bộ tại các nước trên thế giới hầu như không cho phương tiện lưu thông mà chỉ dành cho bộ hành, thì phố đi bộ Nguyễn Huệ, trong những giờ nhất định, xe ô tô, gắn máy được lưu thông dọc 2 bên tuyến đường, tuyệt đối không được chạy vào phần đường giữa dành cho người đi bộ. Thế nhưng, bất chấp quy định, nhiều xe máy vẫn thường xuyên lao vun vút băng qua trục đường chính cho người bộ hành, kể cả vào buổi tối cao điểm, thời điểm mà người dân tập trung vui chơi đông nên rất nguy hiểm.

Người dân vui chơi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các trục giao thông quanh tuyến phố đi bộ xe chạy cũng loạn xạ. Mặc dù các trục đường này đã lắp đặt hệ thống giao thông hiện đại như các nước tiên tiến, có nút xin đường dành cho người bộ hành. Tuy nhiên, mặc cho người bộ hành xin đường, xe chạy mặc xe…

Đủ kiểu kinh doanh

Một thực trạng khác thời gian qua diễn ra trên phố Nguyễn Huệ là tình trạng buôn bán hàng rong, kinh doanh trục lợi đủ kiểu trên con đường được ví như trái tim của TP này. Hàng rong được bưng ra bán nhếch nhác là nước uống các loại, xoài lắc, bánh tráng trộn…, thậm chí có người còn mang cả bếp than ra con phố nướng bánh bán. Hoạt động mạnh nhất là đội quân cho thuê xe trượt điện cân bằng, thường bắt đầu từ 14 giờ - 22 giờ. Do kinh doanh tự do không phải đóng thuế nên thời gian qua, một số người có thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày từ chiếm dụng mặt bằng của con phố này. Theo phản ánh của người dân, đã có hàng chục người vui chơi tại đây bị xe điện đâm vào gây thương tích. Trước thực trạng này, mới đây lực lượng quản lý trật tự đô thị quận 1 đã tăng cường kiểm tra, đẩy đuổi. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa giải quyết được cái gốc vấn đề. Người cho thuê vẫn canh giờ, mỗi khi cơ quan chức năng không có mặt, là tiếp tục hoạt động.

Thường đến phố đi bộ, không ít lần chúng tôi bắt gặp hoạt động biểu diễn của một số người đơn lẻ hoặc nhóm người biểu diễn về đàn, múa. Tuy nhiên, quan sát nhiều lần hoạt động của những người hoặc nhóm người này, khách cảm nhận, họ biểu diễn không mang tính chất của một nghệ sĩ đường phố mà như lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác với thời gian diễn rất nhiều giờ để thu được nhiều tiền khách cho. Trong khi đó, tại các nước trên thế giới, các nghệ sĩ đường phố biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ, dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, để được biểu diễn ai cũng phải xin phép với thời gian hoạt động nhất định.

Nói như vậy không có nghĩa là phố đi bộ Nguyễn Huệ không có những hoạt động nghệ thuật có chất lượng. Tuy nhiên, các chương trình diễn ra còn thưa thớt, chỉ dịp lễ hoặc cuối tuần. Thực tế này cho thấy chính quyền sở tại, cơ quan chức năng vẫn chưa định hình được hoạt động của phố đi bộ

* Ông LÂM MINH MẪN (Cư dân quận 4, TPHCM): Không thấy bóng dáng “chủ trò”

Dẫn đến tình trạng lộn xộn, bát nháo tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ phải thấy rằng trách nhiệm này thuộc về hai phía: Nhiều người dân đến đây vui chơi chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh, trật tự, ứng xử văn hóa nơi công cộng. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền sở tại ít ra cũng phải có hướng dẫn, quy định để người dân biết được khi đến tuyến phố đặc biệt này, họ được vui chơi những gì và không được làm gì. Từ khi đưa vào khai thác phố đi bộ Nguyễn Huệ cho đến nay vẫn không thấy bóng dáng của người “chủ trò” (đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, khai thác) nên người dân cứ vui chơi thoải mái, nhiều khi có cả các hành vi quá “lố”. Trong khi đó, đối với những mô hình hoạt động phục vụ người dân thì người dân rất cần được hướng dẫn. Hay như tình trạng giao thông hỗn loạn trên tuyến phố này, lẽ ra phải bố trí một cảnh sát giao thông ở các chốt để hướng dẫn người dân từ việc sử dụng nút xin đường dành cho người bộ hành (thực tế nhiều người chưa biết sử dụng) cũng như kiểm soát những trường hợp vi phạm giao thông khi băng qua đường dành cho người bộ hành. Thời gian đầu có thể nhắc nhở, sau đó cần xử phạt nếu ai cố tình vi phạm. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng lộn xộn giao thông khu vực này.

 
* Ông LÊ TRƯƠNG HẢI HIẾU (Đại biểu HĐND TPHCM): Sớm kiện toàn bộ máy hoạt động

Quy chế quản lý, khai thác tuyến đường Nguyễn Huệ đã được UBND quận 1 xây dựng khá chặt chẽ, có sự góp ý của các sở, ban, ngành chức năng. Do mô hình phố đi bộ là mới mẻ đối với Việt Nam nên khi xây dựng quy chế này, chúng tôi đã tham khảo, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về phương thức khai thác, quản lý phố đi bộ của các đô thị lớn trên thế giới, chẳng hạn như mô hình quản lý hàng rong tại phố đi bộ của TP New York (Mỹ)... Quy chế cũng quy định cụ thể các vấn đề đặt ra, từ kinh phí hoạt động, công tác bảo vệ an ninh trật tự đến việc tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hoạt động của các nghệ sĩ đường phố phải tổ chức như thế nào…, do đây là điểm thu hút, giao lưu văn hóa. Do vậy, quận 1 cần bám theo quy chế này mà quản lý, tổ chức các hoạt động. Vấn đề là lãnh đạo quận 1 sớm kiện toàn bộ máy hoạt động để quản lý tốt hơn, vì TP đã giao thẩm quyền quản lý khai thác đường Nguyễn Huệ về cho quận 1.

* PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM): Cần phải đưa hơi thở cuộc sống vào phố đi bộ

Vì sao ý tưởng về phố đi bộ rất hay, nhưng bây giờ thực tế thì phố đi bộ lại ít người đi bộ, rồi xe cộ vẫn chạy loạn xạ cả lên? Thật ra, chúng ta đã làm… ngược. Trên thực tế và cách làm của các TP trên thế giới, khi nào nhu cầu đi bộ tăng cao, cần phố đi bộ, lúc đó mới làm phố đi bộ thì sẽ hay, sẽ phù hợp. Nhu cầu thực tế là khi người dân xuống xe buýt, xuống tàu điện ngầm, họ đi bộ đến nơi làm việc. Lúc này, họ cần đi bộ, muốn đi bộ và có thể đi bộ. Khi đó, những người bán hàng mở những cửa hàng xoay quanh phố đi bộ đó bán, rất là lợi. Và Nhà nước tất nhiên cần tạo ra không gian cho người bán hàng, người mua. Các nước trên thế giới họ làm phố đi bộ xuất phát từ nhu cầu như vậy và biến những phố đi bộ thành địa điểm nổi tiếng để mua sắm, du lịch, vui chơi, giải trí...

Còn chúng ta làm phố đi bộ vì thấy người ta làm, nước khác có, mình cũng phải làm, phải có; như vậy là duy ý chí! Hiện nay, phần lớn người tham gia giao thông ở TP còn đi xe máy, không ít người còn phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách tùm lum. Người dân TP chưa có thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng và hệ thống giao thông công cộng cũng chưa có đủ sức phục vụ nhu cầu người dân. Giờ cấm xe máy, kêu người ta đi bộ làm sao được? Phố đi bộ chỉ có khi mà nhu cầu thật sự có. Nếu chợ Bến Thành, Nhà hát lớn có metro, hàng triệu người đi lại để lên xuống metro, lúc đó tự nhiên hình thành phố đi bộ, xe gắn máy, ô tô có muốn cũng không đi được. Như thế, phố đi bộ hình thành bằng quy luật khách quan, từ đòi hỏi của cuộc sống, với sự điều tiết bằng khoa học kỹ thuật, chứ không phải muốn có phố đi bộ là có phố đi bộ. Về phố đi bộ Nguyễn Huệ, chúng ta đã lát đá sạch boong, ấn định đại lộ Nguyễn Huệ là phố đi bộ. Song thực chất, đi bộ ở đây chỉ là nhu cầu buổi tối, người dân ngắm cảnh, dạo chơi thôi chứ ban ngày nóng quá và cũng chưa có nhiều điểm để vui chơi, mua sắm nên hiếm người đi bộ. Giờ đây, nhiều người lại đi bộ sang đường Đồng Khởi, nơi mát hơn, nhiều cửa hàng dễ mua sắm hơn và người bán, người mua gặp nhau ở  đó. Trở lại với phố đi bộ Nguyễn Huệ, chúng ta đã lỡ rồi, vậy có thể “nuôi” bằng cách có thêm chỗ đậu xe, trồng thêm cây cối xanh mát. Bên dưới mặt đường, thay vì mảng đá dài suốt như thế, thì mạnh dạn lót lại gạch lỗ, cho cỏ mọc lên một cách tự nhiên, ấm áp. Phải đưa hơi thở cuộc sống vào phố đi bộ thì phố đi bộ mới trở thành điểm đến của mọi người. 


VÂN ANH - THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục