Khai thác quỹ đất để tạo vốn, tìm mô hình nhà ở phù hợp cho người nghèo

KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM:
Khai thác quỹ đất để tạo vốn, tìm mô hình nhà ở phù hợp cho người nghèo

Hôm nay 28-11, Hội Kiến trúc sư TPHCM tổ chức Hội thảo “Nhà ở trên kênh rạch TPHCM: thực trạng và giải pháp”. Đây là hoạt động quan trọng của các kiến trúc sư, những nhà làm quy hoạch nhằm đề xuất, góp ý với lãnh đạo thành phố các giải pháp giải quyết tình trạng nhà trên kênh rạch. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến liên quan.

Nhà trên kênh Tẻ - kênh Đôi tại quận 8, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa: Chung cư kết hợp chức năng ở và kinh doanh

Năm 2003, chúng tôi có làm một cuộc khảo sát các chung cư tái định cư trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu khía cạnh văn hóa - xã hội về loại hình nhà ở tại TPHCM: Lịch sử - hiện trạng - khuynh hướng”. Kết quả thu được cho thấy 72% người dân thuộc nhóm tái định cư không hài lòng với cuộc sống chung cư, sau khoảng 10 năm (năm 2003) số người dân còn sống ở chung cư Trấn Quốc Thảo còn chừng 60%; ở Hiệp Bình Phước thì thấp hơn còn dưới 50%. Vậy chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm gì từ hai dự án này cho dự án Kênh Đôi tới đây? Với người nghèo, chỗ ở cũng là chỗ để sản xuất, làm ăn. Nhà ở phải là nơi có thể buôn bán trong khi căn hộ dành cho tái định cư rất nhỏ, thường là 42m2, nhiều nhất cũng chỉ 60m2. Do vậy, cần thay đổi quan niệm về chức năng nhà ở cho người thuộc diện tái định cư khác với các thành phần xã hội khác. Theo quan niệm truyền thống thì nhà chỉ để ở, tái tạo sức khỏe và tâm lý, không làm cái gì khác. Điều này hoàn toàn đúng với giới công chức, doanh nghiệp, những người làm công ăn lương. Nhưng không hẳn đúng với người nghèo, với họ phải là “nhiều trong một” mới là tối ưu. Tức là các chức năng ở, sinh hoạt, sản xuất, thương mại, thiết lập quan hệ xã hội phải lồng vào nhau trong một không gian “đa chức năng”.

Một nhóm kiến trúc sư người Pháp là Villes en Transition sau khi tham vấn cộng đồng và các chuyên gia địa phương về tái định cư đã đưa ra một kiểu thiết kế nhà được người dân tán đồng. Theo đó, họ đã nâng cao trần lên đến 5m và chừa không gian cho người dân tự làm gác lửng để ngủ, còn mặt bằng sàn là không gian mưu sinh. Hầu như tất cả các hộ gia đình ở chung cư tái định cư này sử dụng mặt bằng sàn làm nơi sản xuất và buôn bán. Nhóm kiến trúc sư còn thiết kế hành lang rất rộng, hơn 3m, có nơi hơn 4m. Hành lang này không đơn giản là để đi lại giữa các tầng mà thực sự là nơi họ mưu sinh, để buôn bán, để đồ sản xuất và là nơi gặp gỡ, chuyện trò, tâm tình với nhau hàng ngày. Chính hành lang này là nơi thiết lập quan hệ xã hội. Những người giàu có, khá giả có xu hướng khép kín trong căn hộ chung cư, thì người nghèo lại có xu hướng “mở ra” với cộng đồng. Với người nghèo thì thời gian làm việc và thời gian rảnh rỗi không tách bạch ra như công nhân, công chức mà trộn vào nhau, có khi vừa làm việc mà lại vừa “tám” ngay tại hành lang chung. Các kiến trúc sư còn tạo ra rất nhiều khoảng trống lớn giữa 3 tòa nhà thiết kế hình chữ U và ở mỗi tầng. Những khoảng trống này là nơi sinh hoạt, nơi phơi các hàng sản xuất thủ công sau khi sản xuất và chứa hàng hóa tạm trước khi di dời.

Việc chấp nhận “một khu ổ chuột trên cao” là điều không dễ, nhưng chúng ta phải đối mặt với thực tế và phải chấp nó trên tinh thần “nhân nhượng”. Trung Quốc chấp nhận có mô hình chung cư sang trọng và chung cư tầm thấp.

KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM:

Trong quá trình xây dựng, phát triển, thành phố ta đã có nhiều nỗ lực về quy hoạch, chỉnh trang và xây dựng mới, để chúng ta có được một thành phố hơn 10 triệu dân, được coi là nơi đất lành chim đậu. Thành phố chúng ta tự hào có khu đô thị tiên tiến, hiện đại là Phú Mỹ Hưng và khu đô thị Thủ Thiêm cũng đang dần hình thành. Thành phố có những tòa nhà kiến trúc hiện đại, tiêu biểu và có cả những dòng kênh đã xanh trở lại…

ĐỨC TÂM (ghi)

GS - TS Nguyễn Trọng Hòa: Nên có kế hoạch khai thác quỹ đất 2 bên đường ven kênh rạch

Khai thác quỹ đất hai bên đường được thực hiện bằng cách: thay vì giải tỏa theo diện tích ranh giới của con đường, dự án sẽ giải tỏa mở rộng thêm ranh đất ở hai bên đường, tạo ra một quỹ đất dự trữ, sau đó thực hiện đấu giá để thu hồi nguồn vốn đã được đầu tư, đồng thời bổ sung thêm ngân sách để hỗ trợ cho các hộ bị giải tỏa di dời. Phương thức này đã thực hiện khá thành công tại dự án đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè (thuộc đoạn nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến khu công nghiệp Hiệp Phước) với bề rộng 60m và chiều dài 7,5km, biên chỉnh trang mỗi bên giải tỏa thêm 75m, tổng diện tích thu hồi làm quỹ đất dự trữ là 87,55ha trên địa bàn hai xã Phước kiển và Nhơn Đức. Theo mô hình này, sau khi thu hồi đất dành cho công trình xây dựng đường và tạo ra quỹ đất dự trữ, tiền bán đấu giá diện tích đất hai bên đường  không chỉ bù đắp được chi phí vốn đầu tư đã bỏ ra mà còn có thể tạo ra một quỹ đất đáng kể cho công tác đền bù và dành cho một số chương trình nhà ở xã hội. Tổng nguồn vốn bỏ ra ước khoảng 429 tỷ đồng trong khi tổng số nguồn thu từ kết quả bán đấu giá quyền sử dụng đất cho các công ty tư nhân, đã thu được trên 466 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mô hình này rất khó áp dụng đối với các khu vực nội thị đông dân. Do vậy, TPHCM cần chủ động nghiên cứu để đưa ra được một số các giải pháp đồng bộ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp tại các địa bàn có các kênh rạch chảy qua.

TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn: Trả lại không gian nước và không gian xanh đã bị lấn chiếm

Theo quy định hiện hành, không gian hành lang bảo vệ là 50m mỗi bên đối với các sông cấp 1-2 như sông Sài Gòn, 30m mỗi bên đối với sông, kênh rạch cấp 3-4, và 20m mỗi bên đối với kênh rạch cấp 5-6 và các kênh rạch chưa được phân cấp kỹ thuật là 10m mỗi bên. 

Tuy nhiên, khi cải tạo, trước hết cần tính đến việc trả lại không gian nước và không gian xanh đã bị lấn chiếm trước đây, đồng thời bố trí thêm các không gian xanh cần thiết, bổ sung cho tình trạng thiếu không gian xanh của thành phố. Để thu hút nguồn vốn xã hội hóa, một số tuyến đường ven kênh rạch, thậm chí có thể tổ chức thành các phố đi bộ hoặc dịch vụ thương mại sầm uất. Việc này không những làm thay đổi bộ mặt quy hoạch kiến trúc của thành phố, mà còn đóng góp nhiều hơn cho ngân sách thành phố thông qua hoạt động du lịch và mua bán. Khi cải tạo kênh rạch TPHCM sắp tới, cần lưu ý giữ lại một số công trình có giá trị lịch sử hoặc mang bản sắc đặc thù của địa phương. Nên kết hợp việc bảo tồn với việc tổ chức cảnh quan và bố trí ánh sáng hai bên bờ sông để thu hút một lượng lớn khách du lịch tuyến sông rạch.

Việc cải tạo kênh rạch cũng cho chúng ta một cơ hội tốt để cải tạo hệ thống thoát nước giảm ngập lụt cho thành phố. Kênh rạch cần được khơi thông kết nối với nhau và với sông hồ, để nước mưa có thể thoát ra các không gian chứa nước trung chuyển (thẩm thấu vào nền đất, thoát vào các không gian chứa nước và hồ điều tiết) và từ từ thoát ra sông rạch. Việc kết hợp không gian nước và không gian xanh không những giúp cho việc tạo các không gian cảnh quan cho đô thị, mà còn có thể tạo nên các luồng gió mát đối lưu thổi sâu vào để làm mát cho đô thị.

GS-TSKH Lê Huy Bá, Nguyễn Minh Thành: Không nên thay kênh rạch bằng cống hộp

Cống hộp có tiết diện bé (max; 2,5 x 2,5m = 6,25m2), trong lúc đó, kênh hở có tiết diện 20 x 15 = 300m2, lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, lưu lượng dòng chảy cống hộp bé hơn rất nhiều so với kênh hở. Mặt khác, khi làm cống hộp, phải đi kèm với hố ga nhỏ hẹp, khi trận mưa lớn, nước chảy không kịp. Ngược lại, kênh hở nước sẽ có cơ hội tràn bờ mà xuống kênh, nên thoát nước nhanh, không bị ngập. Đó là chưa nói, trong cống hộp, kín, tạo ra nhiều khả năng phân giải yếm khí chất hữu cơ trong môi trường nước, sinh ra nhiều chất độc hại như H2S, nhanh chóng gây chết cá và thủy sinh, nhất là khi trời chuyển mưa.

Vùng ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 7, Nhà Bè và một phần Cần Giờ, một phần của Bình Thạnh, quận 9…, xin chú ý cho: khi ta vét kênh hay làm đập ngăn mặn thì thường làm xì phèn lên, mà hậu quả của nó là cây trồng, vật nuôi đều bị ảnh hưởng, làm rễ đen, chùn đọt, thậm chí có nơi, lúa hay cây trồng bị chết như luộc nước sôi vậy. Nếu chúng ta cho nước triều vào sẽ khống chế khả năng phèn hóa của đất phèn tiềm tàng từ tầng dưới và cả nước kênh không bị phèn vì khi có nước triều, tức là có pH=6,5 và Na+ sẽ khống chế không cho SO42- , Fe2+, Al3+ hoạt động. Cho nên ở vùng này khi chặn xâm nhập triều cần hết sức chú ý không để đất bị hóa phèn, nước bị nhiễm phèn.

Trong chương trình cải tạo môi trường và di dời nhà trên và ven kênh rạch từ năm 1993-2015, toàn TPHCM đã di dời được 35.706 căn. Đây là một trong những thành tựu to lớn và quan trọng nhất của thành phố từ khi đổi mới. Trong “Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị”, TPHCM xác định tiếp tục tập trung hoàn thiện việc di dời, tái bố trí toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, TPHCM dự kiến di dời và giải tỏa trắng gần 20.000 hộ trên và ven sông rạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị. Kế hoạch di dời sẽ được tiến hành trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 2015-2020: thành phố tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà. Từ năm 2020-2025 sẽ giải tỏa, di dời tiếp 19.524 căn. Song song với việc tổ chức tái định cư cho người dân, thành phố cũng đồng thời chỉnh trang lại các khu vực ven sông rạch này thành những khu đô thị đáng sống.

 SƠN LAM (ghi)

TÂM ĐỨC (ghi)

Tin cùng chuyên mục