
Ngày 24-10 tới, 3 phòng thí nghiệm, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và triển khai Khu công nghệ cao (KCNC) TPHCM sẽ đồng loạt được khai trương tại KCNC TPHCM. Theo các nhà quản lý tại đây, 3 phòng thí nghiệm được đầu tư quy mô này hoàn toàn có thể là “bệ phóng” cho việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ trong nước. Đâu là cơ sở cho niềm tin đó?
- Đầu tư lớn
3 phòng thí nghiệm được khai trương sắp tới đây tại KCNC TPHCM gồm Phòng thí nghiệm nghiên cứu vật liệu Nano (Nano Technology Lab), Phòng thí nghiệm công nghệ vi mạch bán dẫn (Semiconductor Lab) và Phòng thí nghiệm cơ khí chính xác và tự động hóa (Precision Mechanics and Automation Lab). Ngoài ra, để phục vụ cho các phòng thí nghiệm này, tại KCNC còn có phòng sạch, dùng cho các thí nghiệm chế tạo linh kiện vi cơ điện tử của cả hai phòng thí nghiệm Nano và bán dẫn.

Hoạt động đào tạo tại Phòng thí nghiệm Nano.
Về đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất, cụ thể, phòng sạch tại KCNC có diện tích 600m2, bao gồm 2 khu vực: khu vực 60m2 có cấp độ sạch 100 dùng cho quy trình quang khắc và khu vực 540m2 có cấp độ sạch 10.000 dùng cho các quy trình gia công linh kiện vi cơ điện tử như đo đạc bề dày, bề sâu từ các quy trình khắc ướt, khắc khô, làm sạch wafer bằng dung môi hay bằng plasma. Khu vực này còn dùng để chế tạo chip từ các wafer mẹ, khảo sát đặc tính của linh kiện trên wafer hoặc trên chip... Tổng giá trị đầu tư của Phòng sạch tại KCNC là hơn 37 tỷ đồng.
Theo tiết lộ của KCNC TPHCM, một phòng thí nghiệm khác sắp được khai trương, phòng thí nghiệm nghiên cứu vật liệu Nano bao gồm hệ thống 7 phòng thí nghiệm, được bố trí theo từng chức năng và thiết bị tương ứng. Phòng thí nghiệm nghiên cứu vật liệu Nano có 25 thiết bị. Ngoài các hệ thống hóa phân tích, thiết bị tập trung vào các hệ thống máy đo hiện đại, phục vụ cho việc nghiên cứu vật liệu Nano, thiết bị có giá trị lớn nhất của phòng thí nghiệm nghiên cứu vật liệu Nano là thiết bị FESEM S4800 của Hitachi Hi-tech (Nhật) có giá trị khoảng 500.000 USD.
Phòng thí nghiệm cơ khí chính xác và tự động hóa (CKCX-TĐH) tại KCNC cũng được đánh giá là một phòng thí nghiệm rất quan trọng trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ nội sinh. Phòng thí nghiệm CKCX-TĐH được các đối tác tài trợ các máy móc thiết bị gia công, đo lượng hiện đại với trị giá hơn 300 ngàn USD gồm nhiều máy công nghệ cao độ chính xác cao, thiết bị hàn cắt, trang bị lắp ráp bản mạch điện tử… hiện đã đi vào hoạt động. Ngoài 4 máy công nghệ cao do Tập đoàn Nidec tài trợ, phòng thí nghiệm này đang tiếp tục bổ sung, hình thành trung tâm gia công theo tiêu chuẩn cao nhất của sản xuất linh hoạt, nhằm chế tạo ra các khuôn mẫu chính xác cao, các thiết bị bao gói LED, solar cells...
Được biết, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai (R&D) KCNC, đơn vị chủ quản của 3 phòng thí nghiệm kể trên được đầu tư hơn 190 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Ba chức năng chính của Trung tâm R&D là nghiên cứu và triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ; sản xuất và kinh doanh; tham gia đào tạo nhân lực công nghệ cao.
- Đi lên từ “hạ tầng” tốt
Theo thông tin từ KCNC TPHCM, đội ngũ cán bộ nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của nơi đây bao gồm 5 tiến sĩ (các chuyên gia Việt kiều), 24 kỹ sư. Ngoài một số thành công trước đây, với nhiều đề tài được sự quan tâm và hợp tác của các nhà đầu tư và các tập đoàn đa quốc gia cũng như các bộ ngành trong nước, hiện nay Trung tâm R&D cũng có nhiều đề tài và dự án hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước sắp được thực hiện. Định hướng chiến lược của Trung tâm R&D trong thời gian sắp tới là nghiên cứu các công nghệ năng lượng nhằm giải quyết nhu cầu sử dụng năng lượng hữu hiệu ví dụ như công nghệ đèn LED màu, đèn LED trắng thật sáng…
Được biết, hiện Trung tâm R&D vừa có một số thành công nhất định trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ nội sinh, cụ thể như Dự án mực in Nano cho máy in offset bằng kỹ thuật số (Digital Offset) hợp tác với Công ty Bút bi Thiên Long. Hợp đồng hợp tác sản xuất đầu dị kính hiển vi điện tử AFM dùng carbon nano tube với Trung tâm không gian Hoa Kỳ Nasa.Trung tâm cũng đang thực hiện Dự án thiết kế và chế tạo máy khắc và tạo màng cho dây chuyền chế tạo solar cell; nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống thông gió tự động cho Phòng thí nghiệm Sinh Hóa - Đại học Khoa học Tự nhiên…
Trong chuyến viếng thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại KCNC năm 2007, Thủ tướng đã nhắc nhở: “Phát triển công nghiệp công nghệ cao cần phải đưa kinh nghiệm của thế giới vào nghiên cứu phát triển, học hỏi và ươm tạo, đào tạo cho mình. Không chỉ mời người ta vào sản xuất”. Có thể nói, với việc khai trương 3 phòng thí nghiệm và thực hiện được một số dự án quan trọng kể trên, Trung tâm R&D, KCNC TPHCM đã “xây” được cho mình một “hạ tầng” tốt, trên con đường rất dài của việc nghiên cứu, xây dựng và phát triển công nghệ nội sinh cho công nghệ cao
THANH DUNG