Khấm khá nhờ nghề câu cá hố

Nếu các làng biển khác phải chuyển đổi nghề mới có hướng phát triển thì người dân ở xã biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lại chung thủy một nghề từ hơn 380 năm qua. Đó là nghề câu cá hố - một nghề cổ truyền cha ông để lại, mang đến thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Nghề đánh bắt cá hố ở làng Cảnh Dương duy trì gần 400 năm qua
Nghề đánh bắt cá hố ở làng Cảnh Dương duy trì gần 400 năm qua

Tự hào với nghề

Về Cảnh Dương, chúng tôi ghé nhà cụ Nguyễn Tiến Nên nghe kể về nghề câu cá hố làm chơi mà ăn thật. Cụ kể: “Con cá hố ngày xưa sống ở tầng đáy, khi thủy sản còn dồi dào, chỉ ra khơi một đêm đã câu về đầy ắp thuyền nan. Thuở mới lập làng, cha ông từ Thanh Hóa, Nghệ An vào chủ yếu câu cá hố dưới dãy núi Hoành Sơn đưa ra Bắc bán lấy gạo, muối, vải vóc về buôn lại cho người dân mười xã vùng sông Roòn (huyện Quảng Trạch). Sông Roòn bắt nguồn từ dãy núi Hoành Sơn và đổ ra Biển Đông, tại nơi giáp ranh của Quảng Phú và Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. Cuộc sống người dân vì thế mà khấm khá lên, nhà cửa được xây dựng khang trang, sinh kế trù phú”.

Cá hố trong các gia phả dòng họ ở Cảnh Dương chép lại đều cho thịt ngon, thơm, chế biến được nhiều món từ khô cá hố, đến hấp, nướng, kho xổi... đều ngon nức tiếng. Người dân nơi đây vẫn còn di ngôn rằng, ngày xưa, thi hào Nguyễn Du mỗi bận về quê đều ghé Cảnh Dương mua bằng được cá hố nướng cỏ rười đưa về quê biếu bạn chí cốt. Thật tình, câu chuyện này theo lão ngư Phạm Thức (75 tuổi) là không thấy ai chép lại, nhưng con cá hố ngon đến mức các vị tao nhân mặc khách thưởng thức là có thật, bởi ngày đó, làng biển Cảnh Dương cũng là nơi ở lại qua đêm của người đi thiên lý Bắc - Nam trước khi vượt đèo Ngang.

Dần dà, con cá hố sống ở khơi xa, những hậu thế của các bậc tiền nhân xưa cho đóng thuyền câu lớn hơn. Và bây giờ trên tàu câu có máy định vị, la bàn, máy dò luồng cá để theo chúng cả tháng trời. Ngư dân Nguyễn Minh Tuấn nói: “Câu cá hố phải có tính kiên trì, ngồi trên tàu thật lâu, cá cắn câu cũng để nó cắn lâu mới giật cần lên, nếu nhanh quá, con cá to nó khôn không cắn ngập mồi xem như công cốc”... Cụ Nguyễn Tiến Nên tự hào: “Cả một đời sống bằng nghề của cha ông để lại, nuôi con cháu để bám làng bám biển, góp công sức cùng các thế hệ bảo vệ biển đảo. Thế hệ trước nằm xuống đã có thế hệ sau kế thừa, giữ gìn truyền đời một nghề câu cá hố lưu danh sử sách vùng này. Ở đây, ai cũng tự hào về nghề câu cá hố tồn tại gần 400 năm không phai nhạt”.

Xã Cảnh Dương có 573 tàu đánh cá, chủ yếu đánh bắt cá hố. Sản lượng thủy sản mỗi năm đạt hơn 4.200 tấn, với giá trị hơn 386 tỷ đồng. Nhờ nghề câu cá hố nên dịch vụ, thương mại kèm theo tạo nên tổng giá trị hơn 771 tỷ đồng, hoạt động tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu trong xã đạt hơn 102 tỷ đồng.

Cá hố xuất ngoại

Trong dân gian vùng Roòn ở Bắc Quảng Bình, họ xem dân xã Cảnh Dương là những người chinh phục rồng. Bởi con cá hố dài, khỏe, bơi nhanh, da có ánh bạc lấp lóe dưới ánh trăng, con nước nên họ ví đó là cá rồng. Người Cảnh Dương điêu luyện câu chúng với cần câu bằng tre già được tôi luyện qua lửa, con cá nặng 2-3kg khi dính câu, vùng vẫy dưới nước trọng lượng lên hơn 10kg cũng không gãy cần. Cụ Nguyễn Tiến Nên cho biết: “Từ 380 năm trước, cha ông câu bằng tre thì nay con cháu cũng câu bằng tre. Mỗi cần câu có 2 cụm câu, mỗi cụm có 2 lưỡi câu và cục chì nặng 1kg. Cục chì nặng là để ghì con cá hố lại, không để nó chạy quá mạnh và quá xa. Cục chì 1kg vậy nhưng có con cá trên 3 ký, nó bơi như rồng bay dưới biển, bà con phải để nó kiệt sức mới thu câu”.

Mồi câu cá hố, theo ngư dân Nguyễn Cảnh Bình, người có 30 năm trong nghề, nói: “Mồi là cá nục, khi hết cá nục mà luồng cá còn nhiều lại lấy cá hố cắt từng miếng để câu. Mỗi thuyền câu cùng lúc 10 cần thủ dàn đều hai bên mạn tàu. Mỗi lần cá cắn câu, mất 5 phút mới thu dây bởi con cá hố dưới biển rất khỏe, nó lao vun vút như rồng lửa, vùng vẫy rất mạnh, phải lựa con nước, lựa lúc nó yếu sức (vì mang theo cục chì 1kg) mà đưa lên”.

Thời xưa, con cá hố ở Cảnh Dương được nướng trui bằng cỏ rười để cất trữ vì không có thiết bị làm lạnh. Rồi nó được bán đi khắp các vùng bằng ngựa thồ, hoặc gánh cá của người dân qua chợ, theo con đò ngược lên vùng phố thị. Từ đó, các chủ đò mua gạo, áo quần về xứ biển để bán lại cho ngư dân. “Từ con cá hố xưa nay mà bao thế hệ lớn lên, mưu sinh, nhiều gia đình khá giả, phất lên từ đó. Ngày xưa, cha ông chúng tôi truyền lại, cá hố Cảnh Dương có cả đội thuyền vào Nam ra Bắc buôn bán với thương lái là người nước ngoài. Bán qua đến nhà Thanh (Trung Quốc), rồi các nước khác lân cận”, ngư dân Phạm Tựu kể.

Tiếp nối cha ông, người Cảnh Dương ngày nay cũng xuất khẩu cá hố đi Ma Cau, Hồng Công, Thâm Quyến (Trung Quốc), đó là những thị trường năng động, thích ăn cá hố vùng Cảnh Dương với cách chế biến hấp nguyên con, giữ nguyên phấn trắng của con cá. Theo cụ Nguyễn Tiến Nên, phấn của cá hố còn nguyên chất có vị thơm, hấp dẫn và bổ dưỡng nên nó là món truyền thống của hàng trăm thế hệ người Cảnh Dương từ khi lập làng đến nay.

Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, cho hay: “Từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến giờ, người làng Cảnh Dương ăn cùng cá hố, lớn lên cùng cá hố, mất đi cũng cúng cá hố. Nó trở thành sản vật quê nhà mà bất cứ người Cảnh Dương nào cũng tự hào. Khi có bạn thân, khách quý đến thăm nhà, ai cũng nấu món cá hố chiêu đãi. Nhờ con cá hố mà ở xã đến nay chỉ còn 4% hộ nghèo, nhà 2 tầng ở Cảnh Dương mọc lên san sát. Người Cảnh Dương ngày nay tin rằng, chống hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) đang triển khai quyết liệt, nghề cá hố đại dương sẽ đi vào quy chuẩn, phù hợp và tạo động lực mới. Ngư dân ở đây rất ủng hộ. Do lẽ nghề câu cá hố không tận diệt, ngư dân chọn con cá đúng kích cỡ mới đưa lên tàu. Khi gỡ được thẻ vàng IUU, con cá hố sẽ qua Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… từ đó sẽ tăng thêm giá trị nghề truyền thống mà cha ông để lại cho con cháu”.

Tin cùng chuyên mục