
26 tỷ đồng cho việc thực hiện đề án trong năm năm đầu, thành lập văn phòng để kết nối các nhà khoa học đầu ngành và các công ty cung cấp thiết bị, công nghệ để tư vấn, cung cấp thông tin đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp và dùng để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ quản lý, hỗ trợ cung cấp thông tin tư vấn cho doanh nghiệp…
Đề án đổi mới công nghệ công nghiệp cho doanh nghiệp đang thu hút sự quan tâm trong thời gian gần đây. Chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Hoài Quốc (ảnh), Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, xung quanh đề án này.
- Phóng viên: Thưa ông, đề án đổi mới công nghệ công nghiệp cho doanh nghiệp đang được hoàn thiện, trước khi trình UBND TPHCM, nhưng hình như đã có nhiều doanh nghiệp “xếp hàng” xin được tham gia đề án?
Ông Lê Hoài Quốc: Chúng tôi đã ký kết thực hiện thí điểm đề án này ở Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, và mới đây, sau khi dự thảo đề án được công bố, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) cũng đã liên hệ, muốn được thực hiện đề án cho các doanh nghiệp tại HEPZA.
- Được doanh nghiệp quan tâm, đó là tín hiệu đáng mừng đầu tiên. Vậy đề án này sẽ hỗ trợ cụ thể gì cho các doanh nghiệp?
Đề án có các mục tiêu là giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hợp lý hóa và tự động hóa; hình thành thị trường công nghệ; xây dựng giải pháp cơ chế-chính sách- phương án tài chính tổng thể cho hoạt động công nghệ. Trong đó, tập trung vào việc hình thành thị trường tư vấn khoa học công nghệ, tập hợp đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành và các công ty tư vấn, cung cấp thiết bị hiện có trên thị trường để sẵn sàng tư vấn cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Chúng tôi sẽ thực hiện tư vấn với các số liệu cụ thể, tư vấn có độ tin cậy cao và trả thù lao thích hợp với tư vấn của mình. Bên cạnh việc tư vấn công nghệ, đề án cũng hướng tới việc tư vấn cho doanh nghiệp công cụ quản lý gì để đạt hiệu suất vận hành. Trao đổi và cùng đi với doanh nghiệp trong việc thực hiện, cải tiến các quy trình quản lý đồng thời kiểm tra việc thực hiện tại doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay doanh nghiệp Việt Nam cần thông tin một cách chi tiết và đáng tin cậy. Không chỉ cứ đầu tư mua trang thiết bị hiện đại là sản xuất tốt. Hệ thống sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm các thành phần máy móc thiết bị, nhân lực, thông tin và tổ chức quản lý phải đồng bộ với nhau thì hiệu quả sản xuất mới tốt. Đầu tư nhiều tiền, mà máy móc không đồng bộ cũng không được.
- Vậy cụ thể như ở đơn vị thí điểm, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, các ông sẽ hỗ trợ gì?
Đầu tiên, chúng tôi sẽ đưa các nhà khoa học đầu ngành tham gia, thẩm định, đánh giá trình độ của doanh nghiệp. Phải “khám bệnh” trước rồi mới “bốc thuốc” được. Nhận biết được trình độ công nghệ, nhân lực, thông tin, quản lý của doanh nghiệp hiện có đang ở mức nào, từ đó mới xây dựng dự án. Rồi sẽ có các doanh nghiệp cung cấp thiết bị nghiên cứu xem cần phải đầu tư thiết bị nào cho phù hợp, giá thành thiết bị, cái lợi sau khi đổi mới công nghệ…
Khi trao đổi với chúng tôi, Tổng giám đốc doanh nghiệp này cho biết họ đã có sẵn 300 tỷ đồng để đổi mới công nghệ. Tiền, nhiều doanh nghiệp đã có đầy đủ, vấn đề là họ cần thông tin đáng tin cậy, để chọn lựa công nghệ, chọn máy móc.
- Như vậy, theo đề án, Sở sẽ thành lập một văn phòng để tập hợp các nhà khoa học đầu ngành và các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, nhằm “khám bệnh” và “bốc thuốc” cho doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ. Vậy, đây sẽ là nơi ký hợp đồng tư vấn công nghệ cho doanh nghiệp?
Không, chúng tôi lập văn phòng để làm đầu mối tập hợp các nhà khoa học và các đơn vị lại thôi. Còn hợp đồng cụ thể thì sẽ do một trung tâm có tư cách pháp nhân đứng ra ký với các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đang tính phương án hỗ trợ chi phí tư vấn chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp ký hợp đồng với trung tâm tư vấn để được tư vấn công nghệ, nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí một phần. Tuy nhiên, chúng tôi đang tham khảo ý kiến luật sư về ý tưởng này, làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp những không vi phạm các quy định của hội nhập WTO.

Một doanh nghiệp Hàn Quốc đang tư vấn công nghệ tại Việt Nam.
- Ông nói rằng mục tiêu của đề án hướng tới thành lập một thị trường tư vấn chuyển giao công nghệ, với các doanh nghiệp tư vấn chuyên nghiệp. Vậy việc hình thành văn phòng tư vấn, với dự kiến hiện nay là các hợp đồng tư vấn được ký với một trung tâm của Sở, thì đề án lại có phải sẽ chỉ tạo thêm một đơn vị nhà nước trong lĩnh vực này?
Có điểm khác biệt ở đây. Văn phòng mà tôi nói dự kiến sẽ thành lập là điểm để kết nối các nhà khoa học đầu ngành lại với nhau, làm trung gian để các doanh nghiệp tư vấn công nghệ thiết bị hiện có gặp gỡ các doanh nghiệp có nhu cầu. Chúng tôi chỉ ký hợp đồng với doanh nghiệp trong trường hợp các nhà khoa học đầu ngành tham gia tư vấn đến từ nhiều đơn vị khác nhau, cần một đơn vị đứng ra ký hợp đồng. Còn đối với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, tư vấn sẵn có, chúng tôi chỉ làm cầu nối, nếu 2 bên có thể tự ký hợp đồng được thì tốt.
Mục tiêu của việc thành lập văn phòng là đây sẽ là “cầu nối” trong giai đoạn đầu tiên, khi thị trường tư vấn chuyển giao công nghệ của chúng ta chưa thực sự hình thành. Vẫn khuyến khích thành lập các doanh nghiệp tư vấn chuyên nghiệp, chúng tôi đang đề nghị có một cơ chế chính sách cho đối tượng doanh nghiệp này về ưu đãi, giảm thuế…
- Có người hỏi rằng 26 tỷ đồng cho 5 năm đầu tiên của đề án (2007 – 2012) sẽ được sử dụng như thế nào, có băn khoăn đây sẽ lại là một đề án tiêu tiền nhà nước?
26 tỷ đồng này là để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chứ không phải là dành cho văn phòng lập ra trong đề án này tiêu xài. Phải nói rõ rằng số tiền này là dùng để hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia, thì tiền mới được sử dụng. Riêng cá nhân tôi, tôi tin tưởng rằng cách làm của đề án này sẽ có thể định lượng được. Việc thực hiện đề án thành công hay không sẽ thể hiện cụ thể trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sau khi đổi mới công nghệ.
- Cảm ơn ông.
MINH TÚ