Khẩn cấp di dời dân khỏi “miệng hà bá”

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành, quận huyện đẩy nhanh tiến độ xử lý các vị trí có nguy cơ sạt lở trên địa bàn TPHCM. 
Khu Quản lý đường thủy nội địa (thuộc Sở GTVT TPHCM) đang thi công dự án xây kè chống sạt lở tại huyện Nhà Bè
Khu Quản lý đường thủy nội địa (thuộc Sở GTVT TPHCM) đang thi công dự án xây kè chống sạt lở tại huyện Nhà Bè

Ở một số nơi được xác định đặc biệt nguy hiểm phải di dời khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Các vùng nguy hiểm

Khu vực ven sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu có hàng chục ngôi nhà nằm trên sông và ven sông. Các căn nhà này đều có kết cấu tạm bợ với cột gỗ hoặc sắt, vách tôn, mái tôn.

Bà Nguyễn Thị Hương Thủy (ở tổ 8, khu phố 1, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM) cùng 3 người khác sống chung trong một căn nhà nằm hoàn toàn trên sông Sài Gòn, rộng chưa đầy 14m2. Đây là căn nhà cột gỗ, vách tôn, mái tôn được dựng lên từ năm 2006. Sau đó, căn nhà được sang nhượng giấy tay qua 2 chủ khác rồi mới đến bà Thủy…

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, hộ của bà Thủy nằm trong tổng số 845 hộ dân đang sinh sống trong khu vực 40 điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn TP.

Khảo sát thực tế 40 điểm sạt lở này, Sở GTVT đánh giá, đoạn bờ sông Sài Gòn (thuộc phường Hiệp Bình Chánh nơi bà Thủy sinh sống) và đoạn bờ trái thượng lưu cầu Long Kiểng (ấp 1, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) là 2 đoạn có nguy cơ sạt lở cao. Những nơi này lại có lượng dân cư tập trung rất đông, đặc biệt ở bờ trái sông Sài Gòn, từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu chỉ dài khoảng 600m nhưng có đến 42 căn nhà nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Trong số này, 13 căn nhà nằm hoàn toàn trên sông; 14 căn nằm một nửa trên sông, một nửa trên bờ sông. Vì vậy, UBND TPHCM yêu cầu UBND quận Thủ Đức tổ chức di dời khẩn cấp 27 căn nhà nằm trên sông và ven sông Sài Gòn nêu trên.

Ông Trịnh Trọng Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, nhận xét 27 căn nhà này nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Do đó, phường thường xuyên thông tin đến các hộ dân về nguy cơ sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào; nhất là khi đang vào mùa mưa, bão, thủy triều dâng cao. Chính quyền địa phương cũng đề nghị người dân chủ động sắp xếp di dời nhà, vật kiến trúc ra khỏi vùng nguy hiểm để phòng tránh thiệt hại đến tính mạng và tài sản. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, do các hộ dân nơi đây đều là những gia đình nghèo, lao động chân tay; sống trong các căn nhà nhỏ, tạm bợ nhưng lại là tài sản lớn nhất và duy nhất của cả gia đình nên rất khó khăn trong việc di dời. Phường đã làm việc, có biên bản vận động người dân cam kết chấp hành việc di dời và sẵn sàng di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, phường cũng đang chờ chính sách bồi thường, hỗ trợ để có căn cứ vận động người dân di dời.

Gần 4.250 tỷ đồng xây kè chống sạt lở

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết trong số 40 vị trí có nguy cơ cao, huyện Nhà Bè chiếm nhiều nhất với 16 vị trí. Kế đến là quận 2, quận Thủ Đức, huyện Cần Giờ (5 vị trí/địa phương); huyện Bình Chánh (4 vị trí); quận Bình Thạnh (3 vị trí)… Tổng chiều dài bờ sông, kênh, rạch của 40 vị trí trên vào khoảng 20.000m. Hiện đã có 38 dự án xây dựng gần 27.400m kè dọc sông, kênh, rạch để xử lý toàn bộ 40 vị trí này với tổng mức đầu tư khoảng 4.250 tỷ đồng. “Hiện các chủ đầu tư đang triển khai 11 dự án để xử lý 11 vị trí sạt lở”, ông Trần Quang Lâm thông tin.

UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí vốn cho các dự án. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn vốn (thi công xây dựng và chi trả công tác giải phóng mặt bằng) trình UBND TP xem xét để kịp thời bố trí cho các dự án. Đặc biệt, ưu tiên thực hiện dự án tại các vị trí đặc biệt nguy hiểm như ở bờ rạch Giồng Ông Tố (quận 2); ven sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Đúc Nhỏ đến dự án của  Công ty Địa ốc Vạn Phúc (quận Thủ Đức); rạch Ông Lớn 2, sông Kinh Lộ thuộc các xã Phước Kiểng, Hiệp Phước của huyện Nhà Bè…

Sở GTVT cho biết thêm, ở một số vị trí có nguy cơ sạt lở cao, địa phương đã vận động thành công người dân bàn giao mặt bằng trên mặt nước trước để thả bao tải cát, đóng cọc, thảm đá… rồi chờ bàn giao mặt bằng trên đất liền để thi công kè chống sạt lở. Việc này đã giúp đẩy nhanh tiến độ dự án và hạn chế được sạt lở có thể xảy ra. Tuy nhiên, nhiều dự án chống sạt lở tại một số khu vực trọng điểm ở quận 2, Bình Thạnh và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh hiện gặp vướng trong việc giải tỏa nên nhà thầu không có mặt bằng để thi công.

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở KH-ĐT phối hợp với Sở GTVT và UBND các huyện Nhà Bè, Cần Giờ đề xuất cơ chế lựa chọn nhà thầu và khởi công công trình ngay khi có đủ điều kiện về mặt bằng và vốn nhằm đảm bảo đẩy nhanh tiến độ dự án. “Chủ đầu tư các dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án để ngay trong năm 2017 phải hoàn thành 7 dự án. Các dự án còn lại, chính quyền các địa phương phải tập trung đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư trước ngày 1-1-2018 để tập trung hoàn thành trong năm 2018”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm vừa yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, UBND các quận huyện tiếp tục khảo sát, rà soát khu vực có nguy cơ sạt lở để công bố cho người dân biết và chủ động phòng tránh. Sở GTVT chỉ đạo đơn vị trực thuộc xử lý ngay đoạn kè bị nước triều xâm nhập, tràn bờ tại khu vực Lasan Mai Thôn (phường 28, quận Bình Thạnh) gây ngập úng diện rộng. Ngoài ra, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư trên địa bàn quận 5, quận 6, quận 8 và quận 11, sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng khu vực trong mùa mưa lũ năm 2017.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Lê Thanh Liêm giao Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM phối hợp với UBND huyện Củ Chi đẩy nhanh tiến độ các dự án do đơn vị này làm chủ đầu tư; đặc biệt là 3 dự án đê bao ven sông Sài Gòn (trên địa bàn huyện Củ Chi) để các dự án sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả ngay trong năm 2017. Các quận huyện; nhất là quận 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè và Bình Chánh đẩy nhanh tiến độ các dự án phòng chống triều cường và phấn đấu hoàn thành tất cả công trình trong năm 2017 để phát huy hiệu quả trong các đợt triều cường, mưa bão cuối năm 2017 và Tết Nguyên đán 2018.

Tin cùng chuyên mục