(SGGPO).- Hôm nay, 12-1, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã gửi công văn khẩn số 46/QLLĐNN-QLLĐ cho hai công ty là Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Lod và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động giải quyết vụ việc thuyền viên Việt Nam trên tàu Hàn Quốc bị nạn tại Nam Cực.
Theo đó, ông Lê Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, để đảm bảo tính mạng, tâm lý, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu các công ty khẩn trương liên hệ và phối hợp với các bên liên quan như chủ tàu, công ty đại lý tại Hàn Quốc để kiểm tra, xác minh danh tính thuyền viên bị bỏng, bị mất tích và danh tính những thuyền viên được cứu sống. Đồng thời liên hệ với Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc hoặc Ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand (địa chỉ: Level 21 Grand Plimmer Tower, 2-6 Gilmer Terrace, Wellington; ĐT: 00 64-4-4735912, Fax: 00 64- 4-473 5913. Email: embassyvn@clear.net.nz ) để báo cáo, tìm hiểu thêm thông tin và cung cấp những giấy tờ cần thiết để các đại sứ quán cấp giấy tờ đi lại cho người lao động (nếu đã bị mất) và đề nghị đại sứ quán hỗ trợ trong quá trình giải quyết.
Đồng thời, các công ty cũng có trách nhiệm khẩn trương thông báo tình hình vụ việc cho gia đình người lao động và địa phương nơi người lao động cư trú. Thực hiện chính sách hỗ trợ giúp đỡ động viên gia đình người lao động vượt qua những mất mát khó khăn hiện tại.
Đối với trường hợp những lao động bị nạn được cứu sống, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhanh chóng phối hợp và yêu cầu chủ tàu đưa người lao động vào bờ để điều trị, phục hồi sức khỏe. Nếu người lao động có nguyện vọng về nước sau khi ra viện, yêu cầu công ty mua vé máy bay và làm thủ tục đưa người lao động về nước, làm các thủ tục liên quan đến chế độ bảo hiểm (nếu có), thủ tục đề nghị hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và thanh lý hợp đồng cho các lao động sau khi về nước theo quy định của pháp luật.
Đối với lao động mất tích, phối hợp với các bên liên quan tiếp tục tìm kiếm. Trường hợp không còn khả năng tìm thấy, yêu cầu công ty phối hợp với các bên liên quan làm các thủ tục để các cơ quan có thẩm quyền tuyên bố mất tích, hoàn tất các thủ tục liên quan đến chế độ bảo hiểm và thủ tục đề nghị hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và thanh lý hợp đồng với người lao động theo quy định hiện hành.
Đến chiều nay, 2 công ty cũng đã chính thức có báo cáo xác định danh tính cụ thể của 23 thuyền viên bị nạn trên tàu cá của Hàn Quốc bị cháy tại Nam Cực. Trong đó, số liệu chốt lại là có 3 thuyền viên bị mất tích, 4 thuyền viên khác bị thương rất nặng.
| |
PHÚC HẬU
>> Tàu cá Hàn Quốc cháy ở biển Nam Cực, 3 người chết