Khẩn trương khắc phục lũ lớn, ứng phó bão mạnh

Khắc phục sự cố vỡ đê
Khẩn trương khắc phục lũ lớn, ứng phó bão mạnh

Đến chiều 16-10, lũ trên hầu hết các sông ở miền Trung đã rút, tuy vẫn còn ở mức cao. Hàng chục ngàn hộ dân vẫn còn ngập chìm trong nước, nhiều tuyến giao thông tiếp tục bị chia cắt. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của bão Sarika (số 7) đang hướng vào đất liền, ngay trong ngày 16-10, các địa phương đã huy động nhân lực, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của mưa lũ; đồng thời triển khai cấp bách các biện pháp để ứng phó với bão mạnh.

Đường sắt qua địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa thể thông tuyến. Ảnh: MINH PHONG

Khắc phục sự cố vỡ đê

Trong ngày 16-10, ghi nhận của PV Báo SGGP, tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, toàn bộ đồng ruộng, đường giao thông bị ngập sâu trong nước 1-3m, thậm chí có nơi bị ngập sâu 5-6m; hàng trăm nhà dân, hoa màu, trường học, trụ sở UBND xã, trạm y tế bị nước lũ chia cắt, cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Trong ngày, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh và đoàn thanh niên đã trực tiếp có mặt tại các vùng lũ huyện Hương Khê để giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đưa quân cũng về các xã vùng lũ trao 2 tấn lương khô, 2 tấn mì gói và 4.000 chai nước khoáng cho bà con nhân dân.

Lúc 3 giờ sáng 16-10, tuyến đê ngăn mặn ở bờ Nam sông Gianh đoạn qua xã Bắc Trạch (Bố Trạch) đã bị vỡ, hàng ngàn người dân được báo động ứng cứu đê. Ông Phan Văn Gòn, Bí thư Huyện ủy huyện Bố Trạch cho biết sau khi đê vỡ, địa phương đã huy động lực lượng hàn nối đê thành công.

Chiều 16-10, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh cơ bản đã thông tuyến. Các tuyến tỉnh lộ, liên thôn, liên xã tại Quảng Bình vẫn còn ngập nặng. Vẫn còn khoảng 22.000 hộ dân các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, Ba Đồn, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa bị lũ cô lập. Quân khu 4 đã cử 500 cán bộ, chiến sĩ vào vùng lũ Ba Đồn, Tuyên Hóa, Quảng Trạch giúp dân.

Tối 16-10, Sở GTVT Quảng Bình cho biết, 4 thuyền viên trên tàu hàng bị trôi chìm từ sông Gianh ra biển đã được người dân phát hiện dạt gần bờ xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy), cách điểm chìm tàu khoảng 80km. Sau khi người dân phát hiện, chính quyền địa phương, đồn biên phòng Ngư Thủy đã tổ chức sơ cấp cứu, cấp phát áo ấm, điều trị cho những người bị thương.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chuyến thị sát vùng lũ Quảng Bình. Tại đây Phó Thủ tướng chỉ đạo không để dân bị đói, bị rét, đồng thời yêu cầu tỉnh Quảng Bình tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ để tìm kiếm người mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời người bị thương, gia đình những người bị thiệt mạng. Sử dụng mọi biện pháp cứu trợ các gia đình bị khó khăn do mưa lũ, tập trung hỗ trợ sửa chữa nhà cửa cho các hộ gia đình bị hư hỏng nặng.

UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cứu đói cho người dân ở những vùng thiệt hại 5.000 tấn gạo, trước mắt hỗ trợ 2.000 tấn; hỗ trợ 250 tỷ đồng, trước mắt hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ đồng để sớm khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.

Xuất hiện nhiều điểm sạt lở sau lũ

Chiều 16-10, ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại nhiều điểm dọc theo bờ sông Hương, sông Bồ với chiều dài 30km. Nghiêm trọng nhất là điểm sạt lở dài 200m, sâu 50m trên sông Bồ, đe dọa cuộc sống sinh hoạt gần 200 hộ dân phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà.

Chiều 16-10, ông Nguyễn Văn Hành, cán bộ trực tại UBND xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, có 5 người bị mắc kẹt trong rừng do lũ dâng cao không về nhà được. Những người này vào khu vực Thác So, tiếp giáp với xã Thanh Sơn, để trồng cây, khai thác lâm sản...

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong ngày 16-10 hàng loạt hồ chứa trên địa bàn miền Trung tiến hành xả lũ. Trong đó, Hồ Kẻ Gỗ, hồ chứa nước lớn nhất ở Hà Tĩnh tiến hành xả lũ với lưu lượng 200-300m³/giây.

Khẩn cấp giúp đỡ người dân

Tại buổi lễ kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng ngày 16-10, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Hoàng Năng đã đứng ra kêu gọi các đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên TP và cả nước cùng chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tiếp nhận sự đóng góp tại trụ sở số 57 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TPHCM) hoặc chuyển khoản số tài khoản 000870406001484 Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương chi nhánh Kỳ Hòa, TPHCM.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Hoàng Năng cũng cho biết, TPHCM đã ủng hộ số tiền 10 tỷ đồng cho các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An.

Cùng ngày, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu tiền và hàng trị giá 1,97 tỷ đồng cho 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn ban đầu, sớm ổn định cuộc sống.

Mưa lũ đã khiến 23 người chết (Quảng Bình: 14, Hà Tĩnh: 5, Thừa Thiên - Huế: 2, Nghệ An: 2) và 3 người mất tích (Hà Tĩnh: 1, Quảng Bình: 2); hơn 100.000 nhà dân cùng khoảng 10.000ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại.

NHÓM PV


Thủ tướng yêu cầu khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, chủ động ứng phó với bão

(SGGP).- Ngày 16-10, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có công điện thứ 3 về việc khắc phục mưa lũ tại miền Trung và ứng phó khẩn cấp bão Sarika (số 7).

Thủ tướng cho rằng, hiện là tổ hợp nhiều thiên tai (áp thấp nhiệt đới, lũ, bão) liên tiếp ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, chủ động ứng phó với bão, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua ngay sau khi lũ rút. Trong đó huy động lực lượng tại chỗ tập trung tìm kiếm người còn mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích, bị thương, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị thiếu đói, bị rét. Tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, chủ động hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh, không để bùng phát dịch bệnh do lũ. Tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp để sớm đưa học sinh trở lại trường, khắc phục công trình cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, điện, khôi phục sản xuất… “Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tập trung chỉ đạo ứng phó với bão”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng nêu rõ, khu vực ven biển và đồng bằng phải thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu thuyền, kể cả các tàu vận tải, tàu du lịch; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Tùy theo tình hình diễn biến cụ thể của bão, mưa lũ quyết định cấm tàu thuyền ra khơi, cấm biển nhằm hạn chế thiệt hại, cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn…

Đối với khu vực miền núi và trung du, tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa, vận hành xả nước đón lũ đảm bảo an toàn đập và hạ du các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các đập xung yếu. Rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, sẵn sàng sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tập trung thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục