Được tuyển dụng ngay khi đang học
Vừa tốt nghiệp nghề cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng nghề TPHCM, Nguyễn Anh Văn (huyện Hóc Môn, TPHCM) đã có việc đúng ngành học. Văn được một công ty tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung nhận vào làm việc với mức lương 10 triệu đồng/tháng.
Văn kể: “Năm 2019, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, em loay hoay chưa biết làm gì. Sau khi tìm hiểu, thấy nhu cầu của các doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn huyện Hóc Môn cần nguồn nhân lực lớn, em đăng ký học nghề cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng nghề TPHCM. Đang học năm 2, em đã được doanh nghiệp tuyển dụng. Em thấy học nghề là con đường ngắn nhất, lại nhiều cơ hội việc làm”.
Tương tự, sau khi tốt nghiệp nghề phay CNC tại Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương (quận 5), Trần Tiểu Phúc được một công ty tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc B nhận vào làm với mức lương 11 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Esuhai, cho biết, tại ngày hội kết nối giáo dục và việc làm quốc tế 2023 do Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn tổ chức mới đây, Tập đoàn Esuhai liên kết hợp tác với khoảng 200 doanh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc để tuyển gần 5.000 việc làm/năm, cần nhiều nhất là kỹ sư tốt nghiệp cao đẳng ngành cơ khí chế tạo. Thu nhập cơ bản dành cho các vị trí việc làm này, chưa tính phụ cấp, là từ 25-34 triệu đồng/tháng. Gần như 100% học sinh, sinh viên theo học các nghề chế tạo máy, tiện, cắt gọt kim loại, phay CNC, hàn… ra trường đều được tuyển dụng.
Theo TS Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TPHCM, chỉ tiêu tuyển sinh ngành cơ khí chế tạo của đơn vị vào khoảng 500 học sinh, sinh viên/năm. Trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc dạy và học phát triển mạnh theo công nghệ CNC (Computerized Numerical Control), nghĩa là điều khiển số bằng máy tính.
“Điểm khác biệt của ngành cơ khí chế tạo so với các ngành nghề khác là ngay từ năm nhất, ngoài 30% thời gian học lý thuyết, các em có 70% thời lượng để thực hành trên hệ thống máy CNC, máy tiện…; do vậy các em nắm chắc kỹ năng nghề và được doanh nghiệp “đặt hàng” tuyển dụng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, TS Trần Kim Tuyền thông tin.
Nhiều rào cản trong tuyển sinh
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí (chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo), mỗi năm tạo doanh thu sản xuất kinh doanh khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Số lượng nhân sự các doanh nghiệp này cần bổ sung hàng năm chiếm 10%-28% tổng nhu cầu lao động cả nước. Các doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề thuộc các ngành chế tạo máy, tiện, phay CNC, hàn…, dù đăng tuyển hàng chục ngàn chỉ tiêu/năm nhưng vẫn không có nguồn tuyển.
Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực TPHCM Trần Anh Tuấn cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới bất cập trên. Đầu tiên, những người giỏi kỹ năng nghề thì lựa chọn đi xuất khẩu lao động ở Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc ... vì mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn, được nâng cao tay nghề do được tiếp cận công nghệ hiện đại của thế giới. Tiếp đó, số trường nghề được đầu tư bài bản để mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác dạy và học không nhiều. Có trường hiện còn dạy và học trên các thiết bị máy móc cũ kỹ từ 10-20 năm trước, lạc hậu về công nghệ… Ngoài ra, một trong những lý do khiến trường nghề khó tuyển sinh là nhiều phụ huynh vì thiếu thông tin nên “chê” nhóm ngành cơ khí chế tạo, cho rằng đây là những công việc nặng nhọc, độc hại, không muốn con em theo học. “Điều này trở thành rào cản trong việc tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành cơ khí”, ông Trần Anh Tuấn nhận xét.
Ở góc độ đào tạo, ThS Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương (TPHCM), cho biết, để tuyển sinh các nghề như cắt gọt kim loại, hàn, đơn vị phải tốn nhiều công sức tiếp cận phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh chỉ đạt 50%, có nghề đạt chưa tới 10% chỉ tiêu. Đây không chỉ là khó khăn của riêng nhà trường mà còn là tình cảnh chung của các trường nghề hiện nay. Hay như Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội là “địa chỉ đỏ” trong đào tạo nghề cơ khí chế tạo của thủ đô, nhưng 5 năm trở lại đây, kết quả tuyển sinh nghề hàn rất thấp. Nếu năm 2017, ngành hàn và cắt gọt kim loại tuyển được 10 lớp (20-30 sinh viên/lớp) thì đến năm 2019 chỉ còn 2 lớp, năm 2022 chỉ tuyển được 1 lớp với 15 sinh viên.
“Năm 2023, nhà trường không đăng ký chỉ tiêu nghề hàn vì qua công tác tư vấn, hướng nghiệp cho thấy, nhu cầu theo học nghề này của học sinh gần như bằng 0”, ThS Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, trăn trở.
Tư vấn ngành nghề - thông tin tuyển sinh
Hiện nay, trường nào đào tạo ngành Công nghệ vi mạch? (NGUYỄN QUỐC LÂM, TPHCM)
PGS-TS ĐỖ HỒNG TUẤN, Trưởng Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM): Năm 2023, nhà trường chính thức tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch (mã ngành 108). Đây là chuyên ngành thuộc ngành Điện tử - Viễn thông, là một trong những ngành đào tạo chất lượng cao, có tính ứng dụng cao và mang tính xu hướng toàn cầu.
Những năm đầu, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản và nền tảng của lĩnh vực vi mạch, như: các linh kiện bán dẫn, các mạch điện tử cơ bản, thiết kế các hệ thống số, kỹ thuật lập trình C, cấu trúc vi xử lý và thiết kế các hệ điện tử cơ bản dùng vi xử lý. Khi vào học chuyên ngành, sinh viên được cung cấp kiến thức chuyên sâu hơn về lĩnh vực thiết kế vi mạch. Sinh viên còn được giới thiệu về các lĩnh vực mới, đón đầu trong công nghệ thiết kế vi mạch hoặc ứng dụng vi mạch vào đời sống nhằm mục đích định hướng cho sinh viên ở các bậc học cao hơn. Các lĩnh vực này bao gồm: thiết kế chip chuyên biệt cho ứng dụng mã hóa, xử lý ảnh, ứng dụng AI trong thiết kế vi mạch, máy tính lượng tử… Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong các lĩnh vực như thiết kế, phát triển, sản xuất, kiểm định vi mạch.
THANH HÙNG ghi