Khát vọng thịnh vượng

Tết đã đến trên từng đường quê góc phố. Cùng sức xuân tươi tắn lan tỏa đến mọi người là niềm vui hiển hiện khi đất nước ta hai năm qua hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

 Với khí thế hướng về năm mới đó, nhân dân nước Việt đều cầu mong quốc thái dân an và bày tỏ khát vọng đất nước hùng cường, quốc gia thịnh vượng.

Các số liệu đẹp về tăng trưởng kinh tế, chỉ số lạm phát, tỉ giá… đã tạo nền tảng và sức bật trong việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Bước vào năm mới còn có 3 điểm sáng được ghi nhận: Tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp Việt ngày càng mạnh mẽ, đã bước vào các lĩnh vực “khó nhằn” như hàng không, chế biến chế tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng; có bước chuyển tích cực về cơ cấu sản xuất và quy mô ngành nghề; áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh có tiến bộ lớn, đạt được kết quả khích lệ. 

Chia sẻ niềm vui, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, những rào cản thể chế làm thui chột ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp, gây sự do dự trước các quyết định đầu tư… từng bước được tháo gỡ. “Khi Thủ tướng nói về khát vọng đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường, tôi tin là Chính phủ đã thấy rõ: Nếu không có doanh nghiệp vững mạnh, có khả năng cạnh tranh thì không thể thực hiện khát vọng này. Nền kinh tế nước ta đang rất cần nhiều doanh nghiệp mạnh” - ông Nguyễn Đình Cung phát biểu.

Trên tinh thần đó, trong cuộc họp mới đây với Ban Kinh tế Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới dự báo có nhiều biến động khó lường, thách thức và thuận lợi đan xen thì nút thắt nội tại đối với sự phát triển đất nước thời gian tới vẫn là thể chế và tư duy. Tinh thần chung là phải chủ động tích cực và năng động sáng tạo hơn để đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phải là cơ quan tiên phong trong đổi mới tư duy, dẫn dắt và định hướng cho sự phát triển của đất nước bằng việc đề xuất xây dựng các chương trình chiến lược, sát với cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thời đại công nghệ.

Ta đang sống trong thế giới đổi thay nhanh chóng. Và nhìn vào thực tế, quả thật có nhiều vấn đề đáng lo. Theo WB, Việt Nam xếp thứ 69/190 quốc gia về chỉ số môi trường kinh doanh (EoDB), tụt 1 bậc so với năm trước và phân tích: Việt Nam tăng hạng ở các chỉ số tiếp cận tín dụng, nộp thuế và phá sản nhưng lại tụt hạng ở 6 chỉ số khác và giữ nguyên hạng ở 1 chỉ số. Nếu soi chỉ số này với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 là tăng 5-7 bậc, thì nước ta không thực hiện được. Một “điểm nghẽn” khác về môi trường kinh doanh là khoảng vênh lớn trong việc phối hợp và giải quyết các thủ tục giữa cơ quan trung ương, bộ ngành với địa phương khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu khởi sự kinh doanh. Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch AmCham tại Hà Nội, cho rằng để thu hút nguồn lực phát triển, Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác để thu hút đầu tư. Muốn tăng sức hấp dẫn của mình, Việt Nam nên cải thiện cơ chế mạnh mẽ hơn trong bối cảnh nhiều nước khu vực đang tăng tốc khâu này.

Khát vọng quốc gia thịnh vượng còn đi đôi với việc hình thành, phát triển các thương hiệu, tập đoàn lớn mang tầm quốc tế. Khi nói đến Apple, BMW, Samsung, Toyota… người ta không quan tâm ai là chủ doanh nghiệp mà nhận biết ngay thương hiệu quốc gia nào, độ tin cậy của nó. Vì vậy, cần tiếp lửa để khu vực doanh nghiệp này lớn mạnh, tạo điều kiện cải thiện về cả quy mô, năng lực công nghệ, quản trị và tính cạnh tranh. Điều đáng mừng là quá trình cải cách, đổi mới kinh tế Việt Nam, vai trò kinh tế tư nhân đã được nhìn nhận đúng mức, được xem là động lực phát triển. Và đến nay, nước ta bắt đầu nổi lên các tập đoàn lớn, bắt đầu thực hiện các dự án phức hợp đòi hỏi trình độ quản lý, công nghệ cao như công nghiệp chế tạo, xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng. Đã có các thương hiệu được các tổ chức quốc tế định giá hàng tỉ đô-la.

Xuân đến và niềm hứng khởi mới trào dâng. Tại diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế mới đã có nhiều ý kiến phân tích: kinh tế tư nhân nước ta hiện nay chiếm 40% GDP trong khi các nước phát triển tỉ lệ này chiếm đến 85%, là nền tảng đảm bảo ổn định quốc gia. Do đó, cần phải tiếp tục thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng hơn 30% GDP và trong nhiều lĩnh vực khu vực này vẫn thể hiện sự độc quyền với nhiều ưu đãi, làm chèn lấn sự phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều ý kiến đề xuất mạnh mẽ: cho phép kinh tế tư nhân được tham gia vào các lĩnh vực còn hạn chế như đường sắt, truyền tải điện, hạ tầng hàng không… Thực tế hiện nay nhiều tập đoàn có đủ kinh nghiệm, nguồn lực để thực hiện và vận hành các dự án hơn; giúp Chính phủ hạn chế nợ công; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh theo quan điểm kinh tế thị trường.

Tết đã đến với mọi nhà, một mùa xuân an vui với khát vọng ấm no, thịnh vượng…

Tin cùng chuyên mục