Khi “Bảo tồn và phát triển” được đặt lên bàn cân

Theo sử sách ghi lại, Đàn Xã Tắc là một trong 2 đàn tế trời đất quan trọng Việt Nam thời trung đại, có vị trí và ý nghĩa lớn trong lịch sử dân tộc cũng như tâm linh người Việt. Vì thế, ngay khi dự án cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa được công bố xây dựng nhằm giảm thiểu ách tắc tại điểm nóng giao thông này, nhiều nhà khoa học đã có ý kiến lo ngại cây cầu vượt sẽ ảnh hưởng đến di tích quan trọng này. Thậm chí nhiều ý kiến còn quyết liệt hơn khi cho rằng phải chăng vì cái lợi kinh tế mà chối bỏ văn hóa hay Bộ VHTT-DL đã không tuân thủ Luật Di sản khi thỏa thuận cho phép xây dựng cầu vượt qua khu vực này? Trong khi đó những người hàng ngày phải chịu cảnh xe nối xe nhích dần từng centimét suốt dọc tuyến đường Tôn Đức Thắng, Ô Chợ Dừa, Khâm Thiên, Kim Liên mới lại vô cùng hân hoan với việc có một cây cầu vượt sẽ không còn cảnh tắc đường kéo dài.

Một lần nữa, mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển lại được các nhà khoa học, quản lý đưa ra mổ xẻ, cân nhắc nặng nhẹ.

Trước thông tin nhiều chiều về việc xây cầu và di tích, người phát ngôn của Bộ VHTT-DL đã khẳng định, bằng mọi giá phải bảo vệ di sản, là quan điểm của bộ, chứ không phải như một số ý kiến cho rằng, đồng ý xây cầu vượt là bộ phá di tích.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Trần Thành, Phó phòng quản lý di sản, Cục Di sản văn hóa, cho biết, có tới 5 phương án đưa ra và sau nhiều lần bàn bạc, các ngành thống nhất phương án cầu vượt từ phố Xã Đàn sang La Thành là tối ưu nhất, vì hạn chế việc giải tỏa, ổn định cuộc sống cho người dân và đảm bảo yếu tố kỹ thuật. Nút giao thông chạy ngang khu di tích, nên được nắn lệch về phía đường Tôn Đức Thắng để hạn chế tối đa cầu vượt băng qua di tích.

Bộ VHTT-DL đặc biệt quan tâm đến phương án xây dựng mố cầu, để tránh phá hủy các dấu tích khảo cổ bên dưới, nên bộ yêu cầu không xây móng trong khu vực bảo vệ di tích (1.571m²). Điều này đã được các nhà khoa học, cơ quan chức năng nhất trí. Yêu cầu đưa ra là hạn chế tối đa cầu vượt lên trên không gian khu vực I của di tích, nên theo thiết kế mặt cầu rộng 16m, đã được điều chỉnh chỉ còn 14,5m và cách nhà dân hiện chỉ còn 3,5m. Tuy nhiên, việc nắn cầu không thể lệch hơn nữa để đảm bảo 100% không vượt qua di tích, vì yếu tố an toàn kỹ thuật, nên mặt cầu trên cao chờm lên trên di tích khoảng 1,5m.

Bảo tồn luôn là bài toán đặt ra đối với không chỉ người làm di sản mà là của toàn dân, nhưng liệu có hợp lý nếu cứ bảo tồn một cách cứng nhắc mà không ủng hộ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ai cũng hiểu một điều đơn giản rằng khi mà sự phát triển của xã hội bị cản trở thì di sản cũng gần như ngay lập tức phải chịu những tác động xấu từ chính sự kìm hãm đó. Vì thế, khi chúng ta trân trọng quá khứ nhưng lại chưa đủ điều kiện kinh tế và trình độ để thẩm định, khai quật hiện vật một cách hệ thống, thì chi bằng hãy tạm để đó, khi nào có điều kiện sẽ tiếp tục. Trong khi đó, với việc xây dựng cầu vượt tại nút giao thông này đã có thể giải quyết hàng loạt vấn đề do tắc đường gây ra như an toàn về sức khỏe, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc… cho không chỉ người dân đang sinh sống và làm việc ở tại Hà Nội mà còn đem lại lợi ích cho toàn xã hội. 

MAI AN

Tin cùng chuyên mục