Khi các dòng sông đều chảy

Sau gần 12 tháng tranh cãi kể từ khi công bố dự thảo kế hoạch cứu lòng chảo Murray - Darling - vựa lương thực trụ cột của Australia - ngày 26-10, Thủ tướng Julia Gillard đã chính thức thông qua kế hoạch bơm 450 tỷ lít nước vào con sông khổng lồ nhưng đang hấp hối này, nhằm giúp trẻ hóa hệ thống cung cấp nước cho những cánh đồng của Australia.

Lòng chảo Murray-Darling là một trong những lưu vực lớn nhất Australia, trải dài qua nhiều vùng khí hậu khác nhau, bao trùm 4 bang New South Wales, Victoria, South Australia và Queensland, diện tích hơn 1 triệu km² với ba con sông lớn nhất của Australia: sông Darling dài 2.740 km, sông Murray 2.530 km và sông Murrumbidgee 1.690 km. 

Đây được xem là vựa lương thực lớn nhất xứ sở chuột túi, sản xuất gần 50% rau quả, ngũ cốc cho Australia. Các cơ chế quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường thuộc lưu vực Murray-Darling đã có từ 1992, sau đó là những điều khoản bảo vệ môi trường và đa dạng sinh thái có từ 1999, nhưng toàn hệ sinh thái Murray-Darling đã bị sút giảm nghiêm trọng do tác động của con người qua những kế hoạch chuyển dòng, chuyển nước, khai quang và gây nhiễm mặn đất. Các nhà hoạt động môi trường Australia từng cảnh báo, môi trường sinh thái của hệ thống sông ở Murray-Darling có thể bị phá hủy mà không thể phục hồi được, nếu không có chiến lược khẩn cấp cứu dòng sông này. Tình trạng khai thác quá mức, đất đai ngày càng khô hạn dẫn đến vụ mùa thất bát, nhiều chủng loại cá địa phương bị biến mất và những loài khác đang đối mặt tuyệt chủng.

Với 1,83 tỷ USD để bơm 450 tỷ lít nước, Thủ tướng Julia Gillard gọi kế hoạch bơm vào lòng chảo này là một bước ngoặt quan trọng trong kế hoạch hồi sinh hệ thống sông đang ốm yếu quặt quẹo của nước nhà. Bằng cách đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng nông nghiệp và tiết kiệm nguồn nước, chính phủ hy vọng sự kết hợp giữa việc chủ động tăng cường dòng chảy và quản lý nguồn nước tốt hơn sẽ đáp ứng đầy đủ các mục tiêu sinh thái mà không gây tổn thương cho đời sống cư dân tại các thị trấn trong lưu vực. Hầu hết kinh phí sẽ được dành riêng để giúp cho các trang trại tự cung cấp nguồn nước thay vì phải mua nước tưới tiêu mỗi ngày. Trong đó, hơn 200 triệu USD sẽ được sử dụng để loại bỏ những cản trở của dòng chảy như loại bỏ những cây cầu thấp, những chỗ thoát nước hẹp… giúp đưa thoải mái 450 tỷ lít nước ra môi trường. Caroline Sullivan, nhà kinh tế môi trường và sinh thái tại Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái biển tại ĐH Southern Cross ở bang New South Wales nhận định: “Murray-Darling là hệ thống sông duy nhất ở Australia mà khi lâm vào khủng hoảng mực nước sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường, điều tiết nguồn nước kém, phân mảnh đồng bằng ngập lũ và các mối đe dọa khác”.

Tiếp cận với nguồn nước ngọt tại Australia, lục địa khô hạn nhất là vấn đề cực kỳ khó khăn. Sức ép từ hậu quả của việc lạm dụng nguồn nước, đặc biệt là tại những khu vực như lưu vực Murray-Darling sẽ còn tăng khi dân số Australia cũng như dân số thế giới tăng lên. Song, theo Thủ tướng Gillard: “Kế hoạch là một sự kiện lịch sử nhằm cải tạo nguồn nước ở Australia, không những đảm bảo tất cả các dòng sông đều chảy vì nguồn nước bền vững trong tương lai mà nhờ nó tất cả những ai phụ thuộc vào vào hệ thống sông này sẽ có tương lai vững chắc hơn”.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục