Khi cái bụng đã ấm

Như vậy, sau một thời gian giằng co chuyện hợp đồng với đơn vị chủ quản, “nữ hoàng judo” Văn Ngọc Tú đã có thể yên tâm chuẩn bị cho SEA Games 27, khi ngành TDTT Gia Lai chấp nhận thanh lý hợp đồng cho cô.
Khi cái bụng đã ấm

Như vậy, sau một thời gian giằng co chuyện hợp đồng với đơn vị chủ quản, “nữ hoàng judo” Văn Ngọc Tú đã có thể yên tâm chuẩn bị cho SEA Games 27, khi ngành TDTT Gia Lai chấp nhận thanh lý hợp đồng cho cô.

        YÊN TÂM DỰ ĐẠI HỘI

Giới truyền thông đã tốn không ít giấy mực để đề cập đến vụ việc của võ sĩ judo gốc Bến Tre, rốt cuộc cũng đã lay động được ngành TDTT Gia Lai chấp nhận thanh lý hợp đồng cho Văn Ngọc Tú. Điều đó đồng nghĩa Tú đã toàn tâm hơn tập luyện cùng đội judo quốc gia thời gian này chuẩn bị SEA Games 27.

Giới trong nghề cũng hiểu, sự toàn tâm của Tú cũng là để toàn tâm cho… 2 đại hội. Một là Đại hội thể thao khu vực (SEA Games) và Đại hội còn lại là đại hội TDTT toàn quốc 2014. Nghĩa là, sau khi trở thành VĐV tự do khi được Gia Lai giải phóng hợp đồng, giờ Văn Ngọc Tú hoàn toàn đủ pháp lý ký hợp đồng với bất kỳ đơn vị nào đưa ra các điều kiện lương bổng và chế độ phù hợp với cô. Theo quy định của ngành thể thao, năm nay, 1 HCV SEA Games 27 được quy đổi là 1 HCV Đại hội TDTT.

Võ sĩ Văn Ngọc Tú đã được ngành TDTT Gia Lai chấp nhận thanh lý hợp đồng.

Võ sĩ Văn Ngọc Tú đã được ngành TDTT Gia Lai chấp nhận thanh lý hợp đồng.

Vì thế, nếu đơn vị nào nhanh tay có được chữ ký của Văn Ngọc Tú nghĩa là họ có nhiều cơ hội sẽ giành được 1 HCV ở Đại hội TDTT. Lãnh đạo Liên đoàn judo và bộ môn judo (Tổng cục TDTT) đánh giá rất cao khả năng giành HCV SEA Games 27 của Tú ở nội dung 48kg. Cách đây 2 năm, tưởng chừng Văn Ngọc Tú sẽ ẵm chiếc HCV hạng 48kg sở trường nhưng tới phút cuối, “nữ hoàng judo” đã để thua Wanwisa Muenjit (Thái Lan) rồi ngậm ngùi vị trí thứ nhì.

Tuy nhiên, khi đã được toàn tâm để tìm tới đơn vị mới, hẳn lẽ Văn Ngọc Tú cố gắng hết mình đền đáp (nếu có) người tuyển dụng mình về. Tới giờ, Tú là kỷ lục gia của judo Việt Nam khi đã dự tranh kỳ SEA Games lần thứ 5, từng tham dự các giải vô địch châu Á, VĐTG có đầy đủ kinh nghiệm nhưng rõ ràng, nếu không được “ấm cái bụng” ở đơn vị chủ quản thì cũng rất khó đòi hỏi VĐV toàn tâm dốc sức.

        BAO GIỜ CHẾ ĐỘ HOÀN THIỆN?

Mới nhất, ban soạn thảo chính sách đối với thanh niên là VĐV thành tích xuất sắc quốc tế tại Đại hội thể thao quốc tế tiếp tục họp đưa ra những bàn thảo cho đề án trước khi trình lãnh đạo Bộ VH-TT&DL duyệt. Trong những nội dung quan trọng được đề cập nhiều là chính sách đầu tư trọng điểm cho VĐV xuất sắc và chính sách đào tạo, hướng nghiệp cho VĐV xuất sắc. Văn Ngọc Tú là một điển hình. Một VĐV xuất sắc của Việt Nam ở SEA Games, Asian Games, Olympic nhưng thử hỏi về sự hướng nghiệp lâu dài sau thi đấu liệu đã có đơn vị nào hướng tới. Câu trả lời là bỏ ngỏ. Đã có hướng trong dự thảo đề cập rằng sẽ đào tạo, bồi dưỡng VĐV xuất sắc trở thành HLV chuyên nghiệp. Điều ấy là tốt nếu thực hiện được. Nhưng số lượng VĐV khi kết thúc sự nghiệp được trở thành trợ giảng rồi HLV là rất ít.

Văn Ngọc Tú được xem như trường hợp điển hình của kỳ chuẩn bị SEA Games 27. Nhìn thẳng ra, để chuẩn bị cho cuộc sống, bản thân VĐV phải tìm đơn vị mới đầu quân khi đơn vị cũ đã và không thể thực hiện đúng hợp đồng. Do vậy, không thể trách VĐV không đặt sự cam kết lên hàng đầu bởi gì thì gì, khi cuộc sống không đảm bảo, ai cũng phải tìm đường cho cuộc sống ổn định hơn thì mới toàn tâm tập luyện. Đó xem ra cũng là điều thường tình.

Nguyễn Đình

Tin cùng chuyên mục