Nói là tiến tới Đại hội TDTT toàn quốc lần 5 vì vòng chung kết sẽ chính thức diễn ra vào tháng 9 tới tại TPHCM, nhưng ở một số môn như Wushu, vật, Pencak Silat, đấu kiếm… cuộc đua của Đại hội đã kết thúc. Và chính ở một số môn kết thúc sớm như thế nên có nhiều việc khiến giới chuyên môn không khỏi giật mình…
- Huy chương ai bán, ai mua?
Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái đã từng cảnh báo việc chia chác huy chương ở các giải đấu trong khuôn khổ Đại hội và yêu cầu phải đưa việc ngăn chặn vào điều lệ. Nhưng ở các giải đấu vừa qua, xem ra vấn nạn này đã diễn ra một cách khá lộ liễu và gần như công khai, đình đám nhất là ở Wushu – môn có số huy chương thuộc loại cao nhất của Đại hội.
Trong 35 nội dung thi đấu taolu của môn Wushu, nhưng lại có đến 40 chiếc HCV được BTC hào phóng phát ra và càng ngạc nhiên hơn khi đoàn Hà Nội – nơi có phong trào mạnh nhất nước chỉ cử vài võ sĩ tầm tầm bậc trung biểu diễn nên đã nhường ngôi đầu nội dung này về tay TPHCM khi phải “san sẻ” huy chương giúp cho những địa phương “vệ tinh” của mình.
Phải có thành tích thì mới mong có được sự quan tâm đầu tư, đó là một thực tiễn đã và đang diễn ra tại các đơn vị lẫn địa phương trên cả nước. Nên không ngạc nhiên khi tại các giải đấu quan trọng cấp quốc gia liên tục diễn ra những cuộc “đi đêm” của những người làm thể thao nhằm kiếm thành tích về cho đơn vị mình, bởi có huy chương ở các giải đấu như thế thì năm sau mới mong được các lãnh đạo đơn vị chú ý và cấp ngân sách hoạt động và phát triển.
Càng nhiều huy chương thì tiền càng nhiều, đẳng cấp giải càng lớn thì càng “dễ ăn dễ nói”, khiến những người làm thể thao của các địa phương phải cố gắng kiếm thành tích bằng mọi giá, nên các giải đấu của Đại hội TDTT luôn là một cái “chợ đêm” xôm tụ. Rất nhiều tấm huy chương ở những giải vừa qua của các đơn vị mới toanh, lạ hoặc lẽ ra phải khiến người ta mừng vì phong trào thể thao được phát triển rộng khắp thì đằng này, nó lại là nỗi buồn hay một sự nghi ngờ đó là sản phẩm của những “phiên chợ thể thao”.
- Sự “chặt chém” của trọng tài
Tại các giải đấu, sự cầm cân nẩy mực của các vị trọng tài luôn là nỗi ám ảnh cho các đoàn tham dự. Tại giải vật tự do và vật cổ điển vừa qua, nhiều quyết định của trọng tài đã khiến cho các đô vật vai u thịt bắp phải tức tưởi và một số HLV đã nổi đóa lao đến mạt sát các vị trọng tài. Ởû các môn Wushu và Pencak Silat, việc điều hành của trọng tài cũng để lại rất nhiều điều tiếng.
Và có lẽ đó chỉ mới là khúc dạo đầu khi người ta dự báo sẽ còn rất nhiều VĐV phải rơi lệ (đặc biệt là các môn võ) trong thời gian tới về sự “chặt chém” của trọng tài, và đôi lúc do chính cách điều hành này khiến những cái đầu nóng bên trong lẫn bên ngoài sàn đấu bốc hỏa dẫn đến những sự cố không hay khác, mà điều này các Đại hội trước đã xảy ra.
Chỉ mới ở khúc dạo đầu của Đại hội TDTT lần 5, nhưng có thể nhìn thấy cuộc đua tranh đã không còn êm ả và dự báo thời gian tới sẽ càng quyết liệt. Chính vì quyết liệt như thế mà sắp tới cuộc chạy đua giữa các địa phương sẽ càng khốc liệt, nhất là những trung tâm thể thao hàng đầu, nên người ta lo lắng về những vụ “hậu trường sàn đấu”, sự thiếu công tâm của trọng tài và nhiều lý do khác sẽ khiến những cơn sóng ngầm biến thành sóng thần, đồng thời khiến cho cuộc đua tranh cao đẹp trong thể thao bị lạc hướng vì căn bệnh nan y: thành tích.
Mong rằng những người có trách nhiệm của ngành thể thao sẽ có những biện pháp tích cực hơn để hạn chế đến mức thấp nhất (chứ không dám nói là xóa bỏ được) những vấn nạn trên khi Đại hội đang dần vào cao điểm.
TUẤN THÀNH