Khi nhà hàng xóm cháy

Với 438 phiếu thuận, 111 phiếu chống, Quốc hội Anh vừa bỏ phiếu bác bỏ dự thảo kế hoạch trưng cầu dân ý xem có đưa Anh ra khỏi EU hay không. Thủ tướng David Cameron trước đó đã kêu gọi các nghị sĩ trong đảng của ông bác bỏ kế hoạch này vì ông cho rằng Anh cần có tiếng nói mạnh hơn trong EU để bảo vệ các lợi ích thương mại và tài chính của mình.

Vì EU trong cơn khủng hoảng nợ như “nhà đang cháy”, ông Cameron nói: “Khi nhà hàng xóm bốc cháy, phản ứng đầu tiên của bạn là nên giúp đỡ họ dập lửa chứ không chỉ ngăn lửa bắt sang nhà mình. Đây không phải là thời điểm để rút lui khỏi EU”.

Do vị trí địa lý, nước Anh cách biệt với các nước còn lại trong EU, đồng bảng Anh từ lâu luôn là loại tiền tệ có giá trị đứng đầu thế giới. Thời Chiến tranh thế giới thứ hai, Anh cũng ít bị thiệt hại nhất trước sự tấn công của phát xít Đức. Do đó, kinh tế của nước này ổn định trong thời gian dài.

Nhưng xét theo góc độ khác, điều đó cũng cho thấy vì sao Anh không phải là một trong những nước trụ cột trong EU để tham gia hoạch định chiến lược của khối như Đức và Pháp. Anh không nằm trong khối đồng tiền chung euro (eurzone) và do đó các kế hoạch cứu trợ các “con nợ” trong khối này xem như không phải chuyện của nước Anh. Câu nói “phớt tỉnh Ăng lê” cho thấy sự lạnh lùng của người Anh âu cũng đúng trong trường hợp này.

Thế nhưng một khi cơn khủng hoảng nợ lan rộng khắp EU, xem ra Anh khó mà miễn nhiễm, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế như hiện nay. Hẳn Thủ tướng Anh đã thấy được điều đó khi mà 40% thương mại của Anh liên quan đến eurozone.

Tại cuộc họp thượng đỉnh EU mới đây, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã phê phán Thủ tướng Anh Cameron khi cho rằng London muốn tham gia các cuộc đàm phán về khủng hoảng nợ nhưng “ở nhà” lại để đảng Bảo thủ lên lớp EU về cách giải quyết cuộc khủng hoảng.

Chính vì vậy mà 10 nước không thuộc eurozone (trong đó có Anh) không được tham dự cuộc họp thượng đỉnh ngày 26-10 của 17 nước thuộc khu vực này. Một sự mâu thuẫn trong Chính phủ Anh hiện nay là một mặt họ không muốn tung tiền ra cứu giúp các “con nợ” của EU nhưng mặt khác lại lo ngại các quyết định của eurozone gây thiệt hại cho lợi ích của họ, nhất là lĩnh vực tài chính.

Thật vậy, trong lúc Pháp, Đức cùng nhiều nước khác đang vắt óc để tìm ra giải pháp cứu các con nợ trong EU thì tại Anh, nhiều người đang nghĩ đến cơ hội để Anh tăng thêm quyền lực ở EU thông qua cơ chế liên minh mới hoặc tách hẳn khỏi EU.

Một điều đáng nói nữa là trong lúc nhiều nước EU tỏ ra giận dữ với Anh thì trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền có sự chia rẽ sâu sắc. Có đến 81 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ đã “phản bội” Thủ tướng David Cameron khi bỏ phiếu ủng hộ trưng cầu dân ý. Đảng Bảo thủ từ lâu đã xuất hiện lực lượng chống gia nhập EU.

Những năm 1990, Thủ tướng Anh John Major thuộc đảng Bảo thủ cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa Anh gia nhập các cơ chế của EU, trong đó có việc phê chuẩn Hiệp ước Maastricht. Nhiều nhà phân tích cho rằng, mặc dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý có vẻ thuận lợi với Thủ tướng Cameron nhưng thực chất nội bộ đảng Bảo thủ đang phân hóa và điều này là lời cảnh báo nghiêm khắc với Thủ tướng Cameron. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục