Khi nhiếp ảnh vượt giới hạn quyền riêng tư

Khi nhiếp ảnh vượt giới hạn quyền riêng tư

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng của New York, ông Arne Svenson, đã chụp ảnh người hàng xóm trong ngôi nhà của ông ấy mà không xin phép vừa thắng một vụ kiện tại tòa án. Nếu để sang một bên chuyện xâm phạm tự do cá nhân của người khác, giá trị chân thật của các bức ảnh này cho thấy trình độ của người chụp thông qua khoảnh khắc chụp. Ông đã lén chụp căn hộ đối diện ở Tribeca, New York, khi đối tượng đang ngủ nằm xoay lưng ra ngoài. Sử dụng ống kính 500mm, Svenson như xóa sạch khoảng cách tồn tại giữa công chúng và các đối tượng trong ảnh.

Không ngạc nhiên, hai nhà láng giềng đã vác đơn kiện ông khi con cái của họ trong số các đối tượng bị chụp ảnh. Tuy nhiên, một tòa án ở Mỹ trong tháng 8 đã phán quyết rằng các hành động của Svenson chỉ mang tính nghệ thuật, không cần sự đồng ý của người được chụp hay hỏi ý kiến người được chụp để bán ảnh.

Một trong những tác phẩm của Svenson, người phụ nữ cầm kéo làm một việc không xác định trong căn hộ.

Một trong những tác phẩm của Svenson, người phụ nữ cầm kéo làm một việc không xác định trong căn hộ.

Svenson nói rằng phán quyết trên là “một thắng lợi lớn cho quyền lợi của tất cả các nghệ sĩ”. Mặc dù vẫn thận trọng với các dự án loại này, ông nhấn mạnh rằng động cơ của mình chỉ để quan sát sắc thái chân thật của con người. Svenson nói: “Tôi tìm thấy những khía cạnh hồn nhiên nhất để chụp ảnh. Tôi quan tâm nhiều đến việc ghi lại phần hồn hơn là từ thực tế bản thân người được chụp”. Hình ảnh của Svenson không phải là giật gân như nhiều người lầm tưởng. Danh tính của những người hàng xóm được ông chụp không được công bố hoặc không lộ hoàn toàn gương mặt, để lại một cảm giác bí ẩn. Cái chính là những người được chụp là người thật, việc thật mang hơi thở của cuộc sống một cách tinh tế.

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Michael Wolf, một người có sở trường tương tự như Svenson, từng chụp ảnh những người hàng xóm từ các căn hộ tại Hồng Công (Trung Quốc), thừa nhận sự khó chịu với ý tưởng được chụp ảnh nếu người được chụp không hay biết. “Tôi chắc chắn sẽ cảm thấy không thoải mái nếu tôi biết một người nào đó vào phòng tôi trong khi tôi đang ngủ và chụp ảnh tôi”, ông Wolf nói. Nhưng Svenson có lý của mình khi cho rằng ông không chụp ảnh bất cứ điều gì dâm ô hoặc hạ thấp nhân phẩm của người khác.

Phòng triển lãm ảnh ở London đang trưng bày nhiều bức ảnh trong phong trào chụp ảnh tự nhiên theo kiểu “nhân học” có từ năm 1937. Các nhà nhiếp ảnh phải dùng nhiều biện pháp bí mật, kể cả rình rập để tìm cách ghi lại những khoảnh khắc trong đời sống thường ngày ở Anh, trong đó có cả những hành vi kỳ lạ của người dân tại đài tưởng niệm chiến tranh, những cử chỉ của người lái xe…

Hay như Shizuka Yokomizo, nhiếp ảnh gia Nhật Bản nổi tiếng với loạt ảnh Người lạ (Strangers) lại có kiểu tác nghiệp khác. Trước khi chụp ảnh, nhiếp ảnh gia này viết vào tờ giấy: “Thưa người lạ, tôi là một nghệ sĩ làm việc trong một dự án nhiếp ảnh, trong đó chụp ảnh những người tôi không biết... Tôi muốn chụp một bức ảnh của bạn... Nếu bạn không muốn tham gia, xin vui lòng chỉ đơn giản là kéo màn của bạn, biểu hiện từ chối. Tôi thật sự hy vọng sẽ nhìn thấy bạn từ cửa sổ”.

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh này, cái chính của nghệ thuật chụp trộm là mong muốn kết nối với những người xa lạ, chứ không phải chỉ là một khuynh hướng xâm nhập. Trong nhiều trường hợp, kết nối đã được thực hiện một cách chu đáo nhưng vẫn có thể gây nhiều tranh cãi.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục