Nước mắt của những người làm cha, làm mẹ đã rơi xuống. Bà Niềm xin mọi người tha thứ cho “thằng” Quyến con bà và mong con sau này trở lại làm người một cách tử tế; ông Quang ba Quốc Vượng cũng năn nỉ người hâm mộ hãy tha thứ cho Vượng; ông Lê Văn Tuấn, cha cầu thủ Văn Trương cũng thế; mới đây, ba mẹ của Quốc Anh khóc hết nước mắt vì con và nhờ chuyển đến người hâm mộ lời xin lỗi của gia đình ông…...

Bà Niềm và Văn Quyến.
Hôm qua, những người làm cha, làm mẹ ấy đã đón một năm mới trong sự buồn bã. Họ cũng không ngờ con cái mình có người lại nằm trong đường dây tổ chức bán độ của đội tuyển. Ông Lê Văn Quang khi khóc với sự trượt dài của con trai là Lê Quốc Vượng vẫn thừa nhận con mình không hư như báo chí đã đăng tải trong suốt những ngày qua. Đến bà Niềm, mẹ của Quyến cũng thế, bà luôn tin con mình ngoan và không tin Quyến làm điều xấu xa…
Có điều gì đó thật cay đắng khi ông Giám đốc Sở TDTT Đà Nẵng và ông Chủ tịch CLB Nguyễn Xuân Hòa từng than thở là cứ đưa cầu thủ lên đội tuyển là hư, là mất. Hai thành viên trên đã tiếc cho cầu thủ mình là Quốc Anh và Phước Vĩnh nổi tiếng ngoan, thế mà lên đội tuyển lại kết bè, kết phái để rồi tham gia bán độ. Điều này được ba mẹ Quốc Anh ở Quảng Nam xác nhận là con mình rất ngoan nhưng vào môi trường bóng đá thì sa ngã.
Sự sa ngã ấy đang được làm rõ bắt đầu từ môi trường bóng đá Nghệ An. Nơi mà hầu hết các cầu thủ trưởng thành từ lò năng khiếu đều xem cựu tuyển thủ Nguyễn Hữu Thắng là thần tượng. Hai hôm nay, Nguyễn Hữu Thắng đang phải trình diện cơ quan điều tra để làm rõ những vấn đề nằm trong nghi án mua, bán độ ở cấp đội tuyển lẫn cấp CLB.
Có phải là môi trường bóng đá dễ hư và dễ sa ngã như những người làm cha làm mẹ ấy bây giờ hối hận với quyết định đồng ý cho con em mình bước vào với nghiệp bóng đá? Như Tô Đức Cường 8 năm trước vẫn còn là học sinh giỏi hóa của Hải Phòng để rồi sau đó thì bỏ học theo nghiệp bóng đá và… trượt. Như Quốc Anh ngày nào cũng là cậu bé ham học và bắt đầu lún khi bước vào môi trường bóng đá đỉnh cao.
Bóng đá Việt Nam càng lên chuyên thì cầu thủ càng tiếp cận với những môi trường xấu bắt đầu từ chuyện tiền nong và bắt đầu từ những mối quan hệ xung quanh cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp. Đồng tiền đổ vào vùng trũng thật dễ và đồng tiền cũng lấy đi những con người chưa chuẩn bị hành trang vào đời cho mình thật dễ dàng.
Chắc chắn là nếu biết đàng sau chức vô địch của bóng đá Nghệ An năm 2001 có cả hàng loạt những cuộc mua bán thì những người làm cha, làm mẹ đang khóc lóc cho con cái mình, có người sẽ không cho con vào nghiệp đá bóng.
Những người làm cha, làm mẹ ấy không thể ngờ được rằng môi trường mà con cái mình đeo theo và đặt hết sự nghiệp vào đấy lại đầy những cạm bẫy. Cái nơi mà những cầu thủ dễ bị choáng ngợp với đồng tiền nhưng cũng lại là cái nơi dễ bị sa ngã nhất.
Đằng sau những giọt nước mắt và những lời xin lỗi của những người làm cha, làm mẹ, vẫn chưa thấy những người chịu trách nhiệm với bóng đá Việt Nam lên tiếng ngoài việc đổ lỗi phải dạy, phải giáo dục cầu thủ.
Vẫn chưa thấy ai đặt ra vấn đề làm sao để những người làm cha, làm mẹ ấy tin tưởng khi giao và đặt con cái mình vào môi trường bóng đá.
Cũng vẫn chưa thấy ai đặt ra vấn đề làm thế nào để môi trường ở đội tuyển là môi trường lành mạnh. Môi trường mà các CLB mạnh dạn giao quân và cũng là môi trường mà những người làm cha, làm mẹ yên tâm với sự cống hiến của con cái mình.
NGUYỄN NGUYÊN