Không phải ngẫu nhiên mà dư luận, trong đó có nhiều phụ huynh và chuyên gia, lại có phản ứng mạnh mẽ như vậy trong thời gian qua, bởi những câu chuyện ngụ ngôn trong sách như Cua, cò và đàn cá; Hai con ngựa; Lừa, thỏ và cọp; Thỏ thua rùa…, được kể lại theo mục đích của người biên soạn khiến câu chuyện trở nên “biến dạng”, không còn giữ được nguyên bản cả về dung lượng lẫn giá trị, không phù hợp với lứa tuổi lớp 1. Đáng lo hơn nữa, trong sách cũng không hiếm những từ ngữ mang tính địa phương đầy khó hiểu đối với học sinh lớp 1 như “nhá”, “nom”, “chén”, “tợp”…
Ngoài ra, có một điều dễ nhận thấy là những câu chuyện được trích/ kể/ phỏng theo trong sách (chủ yếu là SGK Tiếng Việt 1 tập 1) không thuần Việt với câu cú trúc trắc, cụt lủn, không cho thấy được sự giàu và đẹp của tiếng Việt.
Trả lời trên báo chí gần đây, đại diện nhóm biên soạn lý giải, SGK Tiếng Việt lớp 1 sở dĩ phỏng theo truyện của Lev Tolstoy hay La Fontaine là bởi nguyên tác truyện Hai con ngựa là con ngựa đực và ngựa cái thì vần “ưc” và “ai” học sinh lớp 1 chưa học đến. Hay con kiến thì vần “iên” học sinh cũng chưa biết nên thay thế bằng từ “gà” chỉ một vần “a” dễ dàng. Nhóm biên soạn đã ghi phỏng theo vì truyện của Lev Tolstoy là ngựa đực và ngựa cái!
Ngoài Lev Tolstoy, La Fontaine, trong SGK Tiếng Việt lớp 1 còn sử dụng khá nhiều dữ liệu từ truyện ngụ ngôn Aesop, truyện cổ Ấn Độ, truyện cổ Grim, truyện dân gian Pháp… Lẽ ra, những người làm công tác biên soạn sách không tự làm khó mình như vậy - theo như cách lý giải của nhóm biên soạn - nếu họ chịu chắt lọc trong kho tàng văn học dân gian hay kho tàng văn học thiếu nhi trong nước. Bởi thực tế, chúng ta đang có một kho tàng văn học dân gian đồ sộ với cổ tích, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, vè… phong phú và có sức sống vững bền trong nhiều thế hệ người Việt, từ làng quê ra phố thị. Văn học dân gian chính là mạch nguồn dưỡng chất ngọt lành nuôi dưỡng tâm hồn Việt, trải dài và tiếp nối qua bao thế hệ.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, có nhiều tác phẩm mang ý nghĩa giáo dục trực tiếp, tức ý nghĩa giáo dục được thể hiện một cách tường minh. Song, phần lớn các sáng tác dân gian chứa đựng ý nghĩa giáo dục hàm ẩn, tức ý nghĩa giáo dục gián tiếp. Và trong SGK, nhất là dành cho lứa tuổi tiểu học, văn học dân gian qua hình tượng của Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh; qua truyện ngụ ngôn như Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi hay những truyện cổ tích như Sọ dừa... chắc chắn sẽ là những câu chuyện mang tính “dẫn đường”, truyền cảm hứng... Và những câu tục ngữ như “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” hay “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vẫn cứ gần gũi với nền tảng đạo đức Việt Nam hơn những câu chuyện “phỏng theo” hay những từ ngữ ghép vần, ghép chữ mang nặng tính khu trú địa phương như ở SGK Tiếng Việt lớp 1.
Nhưng, “để làm khó mình”, nhóm biên soạn đã không tìm đến những chất liệu dân gian và mang hơi thở cuộc sống đó.
Và không thể không nói đến câu chuyện sử dụng văn chương đương đại trong việc biên soạn SGK khi những người biên soạn không “mở lòng” tiếp cận cái mới. Trong kho tàng văn học thiếu nhi đương đại, không thiếu những tác phẩm phù hợp - dù có thể chưa đủ độ lùi về mặt thời gian so với kho tàng văn học dân gian nhưng xem ra vẫn hơn hẳn việc sử dụng biến dạng ngôn ngữ từ những tác phẩm vay mượn của nước ngoài.
Giới viết văn tiếc cho SGK Tiếng Việt lớp 1 đã không thể truyền tải tình yêu tiếng Việt, văn học Việt, đặc biệt là văn học dân gian cho trẻ ngay ở năm đầu cắp sách đến trường. Thay vì dồn chất xám đem những gà vịt thay cho ngựa đực, ngựa cái của nước bạn xa xôi, người làm sách nên ngồi lại, tìm cho ra những ca dao, tục ngữ, những đồng dao, đồng thoại, hay gần gũi nhất chính là những câu chuyện cổ tích, dân gian gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi Việt, kể cả những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống của thiếu nhi đương đại để trẻ em Việt Nam hiểu và yêu ngôn ngữ mình, đất nước mình hơn…