Khi vỉa hè trở nên “xa xỉ”

Người đi bộ… ra rìa
Khi vỉa hè trở nên “xa xỉ”

Tại TPHCM, dù thỉnh thoảng người ta vẫn thấy bóng dáng những chiếc xe bán tải của đội quản lý trật tự đô thị chở bảng hiệu, bàn ghế tịch thu từ những người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, nhưng những khu vực có vỉa hè được sắp xếp gọn gàng, người đi bộ sử dụng thoải mái… ngày càng trở nên khan hiếm.

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè buôn bán vẫn chưa giảm nhiều. Ảnh: THÀNH TRÍ

Người đi bộ… ra rìa

Công năng chính của vỉa hè là nơi di chuyển cho người đi bộ. Trừ một vài tuyến hẻm nhỏ trong các khu dân cư đã hình thành từ lâu thì hầu như các tuyến đường, hẻm nào cũng được đầu tư vỉa hè đầy đủ, thậm chí có ngân sách duy tu, sửa chữa định kỳ. Thế nhưng, người đi bộ hiện nay rất khó sử dụng công trình công cộng này.

Khu vực mũi tàu Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Văn Lạc (quận Bình Thạnh) luôn đông đúc và phương tiện thì lưu thông theo nhiều chiều hướng. Thế nhưng, người đi bộ thì vẫn phải chen giữa dòng xe đông như mắc cửi ấy vì vỉa hè đã bị các tiệm sửa xe, buôn bán hàng ăn… bành trướng. Mũi tàu này chỉ cách UBND phường 21 khoảng 500m.

Nói đến chuyện “xông pha” giữa dòng xe cộ, chị Nguyễn Bích Hạnh, ngụ tại quận 9, không thể nào quên vụ thoát chết trong gang tấc. Hàng ngày, chị Hạnh vẫn đi bộ trên tuyến đường Nam Hòa để đến trạm xe buýt. Vỉa hè tuyến đường này rất nhỏ lại bị các hộ kinh doanh buôn bán để hàng hóa kẹt cứng, nhiều người mua hàng vô tư đậu xe ra giữa lòng đường nên người đi bộ chỉ có thể đi dưới lòng đường mà thôi, “Căng thẳng vô cùng vì tuyến đường này đủ các loại từ xe máy, xe tải… cứ bóp còi ầm ĩ phía sau, nhiều lúc cả một dây xe container rồng rắn đi qua. Một lần tôi bị xe máy quẹt phải, ngã xuống đường, tay chân bị xây xát. Lúc định thần lại, nhìn thấy đoàn xe tải đang tiến tới liền lật đật đứng dậy nép vào lề đường… Cứ mỗi lần nhớ lại vụ việc ấy là rùng mình sợ hãi!”.

Vỉa hè ở nội ô không kinh doanh buôn bán thì cũng làm bãi đậu xe. Trong khi đó, ở cửa ngõ Tây Nam huyện Bình Chánh, thì vỉa hè lại “dành” cho các cơ sở vận tải và các cơ sở sản xuất. Ngay tại các khu dân cư mới, các tuyến đường mới mở có vỉa hè được thiết kế theo đúng quy chuẩn nhưng người đi bộ cũng khó tiếp cận. Đơn cử một số vỉa hè ở đường Phạm Văn Đồng hay dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè… đêm đêm trở thành tụ điểm của các quán nhậu. Không chỉ lấn chiếm không gian công cộng, lượng rác thải không thu dọn hết cũng gây bức xúc cho các công nhân vệ sinh môi trường.

Một số địa phương đã nghĩ cách ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè,  chẳng hạn UBND phường 1, quận 5 đã cho lắp rào chắn vỉa hè trước Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đến đường Huỳnh Mẫn Đạt. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ giải pháp tình thế, không căn cơ và không thể áp dụng rộng rãi.

Cần quy hoạch rõ ràng

Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, công dụng đầu tiên của vỉa hè là dành cho người đi bộ và là không gian chuyển tiếp giữa đường và nhà, những nơi không có vỉa hè, nhà sát lòng đường tạo cảm giác rất khó chịu, thậm chí chính chủ nhà cũng thấy bất tiện. Quan trọng nhất là không có vỉa hè, người đi bộ phải đi dưới lòng đường, nguy cơ gặp tai nạn cao và thực tế đã có nhiều trường hợp tai nạn, thậm chí là tử vong do đi dưới lòng đường. “Rất nhiều người hỏi thuê vỉa hè trước nhà tôi để buôn bán, nhưng tôi nói họ lên hỏi phường vì vỉa hè là không gian công cộng, tôi không có thẩm quyền cho phép hay không. Rõ ràng, có rất nhiều người có suy nghĩ vỉa hè trước nhà nào thuộc quyền sử dụng của nhà đó nên mới có chuyện hành xử tùy tiện như để xe cộ, cây kiểng… hay cho người khác thuê mướn. Chính tư duy này đã tiếp tay cho tình trạng sử dụng vỉa hè bát nháo như hiện nay”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn khi cuộc sống bí bách thì không đâu dễ làm ăn hơn vỉa hè, đó là sự thật. Kinh tế “vỉa hè” đóng góp từ 1/4 - 1/3 nền kinh tế quốc dân, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Ở Việt Nam, đặc biệt là TPHCM thì buôn bán vỉa hè còn là một đặc trưng, có nhiều điều đặc biệt thu hút khách du lịch. Thế nhưng, nếu buôn bán tràn lan, lộn xộn, xả rác bừa bãi trên vỉa hè thì sẽ mất khách du lịch. Do vậy, xóa hoàn toàn việc kinh doanh buôn bán trên vỉa hè là điều không thể và cũng không thiết thực mà điều cần là quy hoạch lại vỉa hè. Những vỉa hè rộng có thể dành một phần cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhưng vỉa hè hẹp thì cấm tuyệt đối việc lấn chiếm buôn bán, chỉ dành cho người đi bộ. Việc quy hoạch và công khai quy hoạch sẽ giúp người dân dễ giám sát cũng như lực lượng chức năng dễ kiểm tra, phát hiện. Tuy nhiên, nên ưu tiên cho phép những người đã buôn bán tại các tuyến đường đó chứ không nên chỉ cho phép người dân có hộ khẩu tại địa bàn như vừa qua một địa phương đã triển khai nhưng không có hiệu quả.

Cũng theo ông Sơn, trong việc ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè thì vai trò của các đoàn thể mang tính quyết định. “Chúng ta có tổ dân phố, có đoàn thanh niên, hội phụ nữ…, những lực lượng này vẫn thường xuyên tổ chức những đợt vệ sinh phố phường nhưng như thế chưa đủ mà cần giám sát việc giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường ở địa phương. Cứ lâu lâu, lực lượng đô thị phường, quận lại đi thu vài cái bảng hiệu, vài giờ sau lại mọc lên bảng mới, như thế không hiệu quả. Nhưng việc túc trực để xử phạt thì chắc chắn không lực lượng nào rải nổi. Vì thế, các đoàn thể ở địa phương chính là cánh tay nối dài cho các cơ quan chức năng trong việc giám sát, nhắc nhở và thông báo vi phạm để xử lý kịp thời”, ông Sơn khuyến cáo.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục