Chất lượng: trời ơi!
Trong cái nắng gay gắt hiện nay, người dân Sài Gòn đổ xô đến các quán nước ven đường có cây xanh, công viên để tránh nóng và giải khát. Tuy nhiên, rất ít người quan tâm đến xuất xứ và chất lượng của những loại nước mình đang uống, cũng như tác hại của chúng đối với sức khỏe.
Dạo một vòng những điểm bán các loại nước giải khát như sữa đậu nành, nước sâm lạnh, mía lau, rau má... dọc các đường An Dương Vương, Lý Thường Kiệt, Ngô Gia Tự, Nguyễn Tri Phương..., hầu hết những điểm bán này đều có hình thức giống nhau là một chiếc xe đẩy, vài cái bàn nhỏ với những chai lọ cũ kỹ đủ màu sắc đựng các loại nước, vài cái ly, xô đá, xô nước rửa... Họ bày bán trên lề đường, hòa lẫn với khói xe, bụi đường.
Ghé chân tại điểm cà phê vỉa hè trước cổng Trường ĐH Kiến trúc TPHCM (trên đường Nguyễn Đình Chiểu Q3) chúng tôi bắt gặp cảnh người bán sử dụng nước rửa ly một cách rất… tiết kiệm. Gọi là nước rửa ly, nhưng thực chất chỉ là nước để nhúng ly, khách trước uống xong, người bán làm động tác nhúng ly vào xô nước rồi cho người uống sau dùng. Xô nước rửa này được dùng từ sáng cho đến chiều tối.
Trên các tuyến đường khác, vài người trang bị xe bán bằng inox, nhìn có vẻ sạch sẽ, song hầu như chỗ nào cũng sử dụng một xô nước để nhúng ly cả ngày. Qua quan sát, đa số người bán nước giải khát vỉa hè không có ý thức vệ sinh, có người còn giữ lại phần đá của khách trước để bán tiếp cho người sau, vừa tiết kiệm, vừa giảm bớt thời gian đập đá (!?).
Qua tìm hiểu, phần lớn các loại sữa đậu nành, đậu xanh, nước sâm đắng, rau má... là do người bán tự làm. Một người bán sữa đậu nành trong Công viên 23-9 (Q1) “bật mí”: 1kg đậu nành xay ra, pha với 10 lít nước lã, nếu thấy hơi loãng thì pha thêm bột mì và đường hóa học. Nếu bán không hết đem về bỏ tủ lạnh, hôm sau bán tiếp. Riêng các loại sâm, thì dùng loại đường đen rẻ tiền hoặc đường hóa học bán ngoài chợ để tăng thêm phần lợi nhuận. Chứng kiến một nơi xay rau má số lượng lớn rồi cho vào những chai nước dơ bẩn đem bỏ mối cho các điểm bán lẻ, chúng tôi thấy rau không được rửa sạch, rau má thường bị nhiễm các loại vi khuẩn đường ruột.
Nguy cơ nhiễm bệnh
Chúng tôi lấy mẫu sữa đậu nành ngẫu nhiên tại một điểm bán nước giải khát trước cổng Trường ĐH Sư phạm TPHCM (Q5) để đưa đến kiểm nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố. Thấy chúng tôi đem mẫu sữa đậu nành đến, một cán bộ tại đây nói: “Sữa đậu nành bán ở vỉa hè hả? Khỏi xét nghiệm cũng biết nhiễm đủ thứ”. Một kết quả đã từng được công bố của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở KH-CN TPHCM cho thấy, các loại vi sinh gây bệnh tiêu chảy: Bacillus cereus, Clostrisdium perfringens, Coliforms, E. Coli, nấm men, mốc, TPC - sinh vật yếm khí... đều phát hiện trong mẫu sữa đậu nành bên đường. Riêng trong nước rau má, tổng số vi khuẩn E.Coli và nhiều vi khuẩn khác vượt quá mức cho phép. Ngoài ra, hai loại vi khuẩn không được phép có trong thực phẩm là vi khuẩn tụ cầu và vi khuẩn kị khí cũng đều có trong nước rau má bán ngoài vỉa hè.
Một bác sĩ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, ngộ độc thức uống thường biểu hiện dưới dạng ngộ độc mãn tính. Nạn nhân chưa biểu hiện ngay mà gây ra những tác hại lâu dài như ung thư, đột biến gien, vô sinh, xơ gan, thận hư... Trung tâm Y tế dự phòng thành phố khuyến cáo: Phần lớn các loại nước sâm, rau má, nước mía, sữa đậu nành bán bên đường đều không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng người bán còn sử dụng rất nhiều đường hóa học để chế biến nước giải khát các loại. Người đi đường không nên uống các loại nước giải khát bên vỉa hè nếu thấy không thật sự cần thiết, bởi chắc chắn không đảm bảo vệ sinh.
Ngọc Hiếu