Trước tình hình rối ren của Libya, đồng thời với việc vận động LHQ và đồng minh cô lập Libya, Mỹ đang đưa tàu chiến áp sát Libya trong một động thái nhằm gia tăng sức ép đối với Chính phủ của ông Kaddafi. Khác với phản ứng trước tình hình Tunisia và Ai Cập, thái độ của Mỹ đối với ông Kaddafi thể hiện sự sốt ruột ra mặt.
Có lẽ Mỹ chưa bao giờ có cơ hội lớn như hiện nay để lật đổ một trong những người thách thức nước Mỹ hàng chục năm qua. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng Mỹ chỉ muốn “hù dọa” ông Kaddafi và tạo thêm phấn khích cho lực lượng nổi dậy trong nước, bởi trong bối cảnh hiện nay, việc Mỹ tấn công Libya là điều khó có thể xảy ra.
Nếu như nói khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình trạng bất ổn ở một số nước Arập thì cũng có thể nói chính cuộc khủng hoảng kinh tế đã cản trở “mong muốn” can thiệp quân sự của Mỹ vào Libya. Bởi kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi rất khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên dưới 9%. Số người nghèo ở Mỹ hiện là 60 triệu người, chiếm khoảng 1/5 dân số. Nợ công lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ 2 đã vượt qua quy mô nền kinh tế, lên đến 15.000 tỷ USD. Quốc hội nước này vẫn còn đang tranh cãi gay gắt xem cần cắt những khoản nào để giảm thâm hụt ngân sách.
Khó khăn lớn nhất của cường quốc này là đang phải gánh trên vai 2 cuộc chiến tranh: Iraq và Afghanistan với chi phí mỗi năm lên gần 200 tỷ USD, và số binh lính thiệt mạng ở Iraq lên đến 4.000 và 17.000 bị xem là tàn phế. Số lính Mỹ thiệt mạng ở Afghanistan cũng đã vượt con số 1.000 người.
Một yếu tố cũng rất quan trọng đối với chính quyền Mỹ hiện nay là vào năm 2012 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống mà đương kim Tổng thống Barack Obama đang có ý định ra tranh cử nhiệm kỳ 2. Nếu tiến hành cuộc chiến tranh thứ 3 này thì ông khó có khả năng tái đắc cử hơn vì được đưa vào danh sách những người góp phần làm kiệt quệ đất nước.
Đối với các đồng minh trung thành như Anh, việc hợp đồng tác chiến với Mỹ can thiệp quân sự vào Libya như họ từng làm trong cuộc chiến Iraq cũng sẽ khơi lại vết thương, làm mất uy tín của chính phủ. Bản thân nền kinh tế của Anh cũng đang đối mặt nhiều thách thức: Thâm hụt ngân sách tương đương 10% GDP, đến nỗi buộc phải tăng học phí lên gấp 3 lần, thất nghiệp cao… Các nước đồng minh khác của Mỹ ở châu Âu hiện cũng đang cố gắng hết sức để duy trì sự hồi phục kinh tế mong manh, có lẽ khó mạo hiểm phối hợp với Mỹ chơi nước cờ phiêu lưu.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không loại trừ khả năng dưới sức ép của các trùm sản xuất vũ khí và các tay lái súng, cuối cùng Chính phủ Mỹ cũng sẽ tấn công Libya. Nhưng trước mắt, nước Mỹ chọn cách hỗ trợ tối đa các lực lượng nổi dậy ở Libya lật đổ ông Kaddafi.
Theo Reuters, Mỹ đã chuyển giao cho lực lượng này một lô tên lửa phòng không vào đêm 7-3 thông qua con đường Saudi Arabia. Mỹ làm những việc đó dưới danh nghĩa bảo vệ người dân Libya. Nhưng cho dù có tấn công quân sự hay viện trợ vũ khí cho lực lượng đối lập thì Mỹ cũng đang góp phần đẩy đất nước này đến một cuộc chiến, ở đó những người dân thường lại là con tin của cái chiêu bài bảo vệ nhân quyền, chống chế độ độc tài.
Hẳn dư luận vẫn còn nhớ, với lý do tương tự, Mỹ phát động cuộc chiến Iraq và khiến hơn 100.000 dân thường (có khảo sát cho biết con số này là 1 triệu người) trở thành nạn nhân của chính người tuyên bố bảo vệ họ.
VIỆT TRUNG