Đơn cử với dự án xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương mà Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đề xuất điều chỉnh. Để thực hiện, TPHCM sẽ gần như phải “làm lại thủ tục đầu tư từ đầu” với các nhà tài trợ. Ít nhất cũng mất 1-2 năm, chưa kể sau đó, nếu là dự án đặc biệt, phải thông qua Quốc hội, thời gian “làm lại” còn kéo dài hơn nữa.
Điều chỉnh quy hoạch cũng vậy. Sẽ phải nghiên cứu, đánh giá lại… không đơn giản và không thể nhanh được. Thế nhưng, nếu không xem xét lại, việc khai thác vốn cho đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói riêng và vốn cho thực hiện các dự án trong 7 chương trình đột phá của thành phố nói chung, sẽ gặp khó. Bởi “nhìn đi nhìn lại” hình thức tạo vốn từ đất như các nhà khoa học đề xuất, có tính lâu dài và giúp thành phố đạt được nhiều mục tiêu nhất so với một số cách còn lại. Tìm kiếm vốn từ việc bán các cơ sở nhà, đất công, chẳng hạn. TPHCM còn 1.000 cơ sở nhà, đất công. Bán hết thì… chẳng còn. Chưa kể, đâu phải cơ sở nhà đất công nào cũng có thể bán được giá. Trong tình huống cơ sở ấy nằm trong khu vực nóng về kẹt xe, ngập nước, làm sao có thể bán cho nhà đầu tư xây chung cư, thu hút thêm hàng ngàn người đến ở. Thu hút vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng thế.
Nguồn tiền từ đây cũng bị giới hạn bởi số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa. Dùng nguồn thu vượt kế hoạch, được để lại, không đơn giản. Thời gian qua, tình trạng ngập nước, kẹt xe đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Cách đây chưa lâu, trong cuộc họp ở Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, một doanh nghiệp ở khu chế xuất Tân Thuận đã chia sẻ, cách nay 5 năm, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp có thể chuyên chở được 5 chuyến hàng. Hiện nay, chỉ còn khoảng 1-2 chuyến/ngày, do kẹt xe đi không được. Hay một số doanh nghiệp đã không thể trở thành nhà cung ứng cho Samsung ở Khu Công nghệ cao quận 9 vì không thể đảm bảo đưa hàng tới “luôn luôn” đúng giờ… cũng vì kẹt xe.
Đổi đất lấy hạ tầng, như từ trước đến nay TPHCM vẫn làm đối với một số dự án như xây dựng đường Phạm Văn Đồng, một số đoạn tuyến trên đường Vành đai 2… thì ngoài việc “được” hạ tầng, thành phố không giải quyết được vấn đề tái cơ cấu lại không gian phát triển đô thị - một yêu cầu cực kỳ quan trọng để phát triển đô thị bền vững.
Thế nhưng, cũng phải nói, rà soát quy hoạch, dự án và điều chỉnh nếu cần, mới là bước đầu tiên của quá trình tạo vốn từ đất. Để thực hiện được chủ trương này, còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, TPHCM phải giải quyết được cơ chế đền bù theo hướng có khuyến khích cho người dân chấp hành di dời sớm. Thứ hai, TPHCM phải chuẩn bị sẵn nguồn lực tài chính và xác định giá trị đất khi chuyển nhượng bằng một quy trình đấu giá minh bạch. Người dân phải tin là không có “nhóm lợi ích” trục lợi từ việc khai thác quỹ đất, thì mới sẵn lòng ủng hộ.
Tóm lại, như Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình giảng dạy Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM, nhận xét, tạo vốn cho đầu tư phát triển đa mục tiêu từ đất là một trong những giải pháp rất phổ biến trên thế giới, nhất là đối với các đô thị đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ như TPHCM. Do vậy, dù khó, TPHCM cũng nên xem xét, cân nhắc và quyết tâm làm theo hướng này.