Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng theo Nghị quyết 11/NQ-CP, các ngân hàng đang “toát mồ hôi” điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tín dụng. Nhưng bên cạnh đó, nhiều “biến tấu” về lãi suất đã phát sinh…
Tăng trưởng tín dụng dưới 20%: khó!
Tuần đầu triển khai áp dụng Nghị quyết 11/NQ-CP đã phát sinh nhiều khó khăn. Ngân hàng Nhà nước chỉ thị các tổ chức tín dụng thực hiện tốc độ tăng tín dụng dưới 20%. Điều đó đã gây khó cho không ít ngân hàng bởi hầu hết ngân hàng đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng với chỉ tiêu cao hơn 20%. Và việc xác định chỉ số tăng trưởng này đã được hội đồng quản trị các ngân hàng duyệt từ cuối năm 2010, giờ phải điều chỉnh tức là phải duyệt lại. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng nhỏ, chỉ tiêu này lại là một vấn đề khó.
“Chỉ thị của Thống đốc NHNN chúng tôi bắt buộc phải thực hiện. Nhưng ngân hàng chúng tôi vừa tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng mà giờ lại áp dụng tăng trưởng 20% như các ngân hàng khác là không phù hợp” - ông Lê Huy Dũng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Á, nói.
Ông phân tích: con số tương đối của Ngân hàng Đại Á rất to nhưng số tuyệt đối lại nhỏ, chỉ bằng không phẩy mấy phần trăm của các ngân hàng khác. Dư nợ năm trước của Đại Á là 6.000 tỷ đồng thì với 20% tăng trưởng chỉ là con số nhỏ, trong khi đối với ngân hàng có dư nợ 200.000 tỷ đồng thì chỉ cần tăng trưởng vài phần trăm đã rất nhiều.
Ngân hàng TMCP Việt Á cũng trong tình trạng tương tự. Năm qua, Việt Á tăng vốn điều lệ từ 1.631 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng nên giờ áp dụng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 20% như các ngân hàng khác sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là khi phải bảo đảm cổ tức 12% cho cổ đông. Thế nhưng, Th.S Trần Quốc Hải, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á khẳng định: “Việt Á sẽ kiên quyết tuân thủ triệt để Nghị quyết 11/NQ-CP, không xé rào, không cạnh tranh bằng lãi suất, không vì lợi ích riêng của ngân hàng mình mà gây ảnh hưởng đến toàn cục”. Và ông tin rằng trong thời gian ngắn thị trường sẽ cởi mở trở lại.
Vượt trần lãi suất bằng... tiền phạt
Vấn đề điều chỉnh cơ cấu tín dụng cũng như lãi suất là việc khó ở các ngân hàng. Nghị quyết 11 chỉ đạo phải hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán, đã khiến không ít ngân hàng lo lắng. Bởi các hợp đồng cho vay bất động sản đều dài hạn, giờ phải “bóp” lại tỷ lệ cho vay sẽ gặp khó, vì không thể thanh lý hợp đồng. Vì vậy, các ngân hàng gần như không cho vay mới đối với lĩnh vực này.
Về lãi suất, vốn là vấn đề khó khăn lâu nay, nay tình hình thêm nóng bỏng nên các ngân hàng đã nghĩ ra nhiều cách lách luật tinh vi hơn. NHNN quy định lãi suất huy động không vượt quá 14% kể cả thưởng, khuyến mãi. Nhưng khi chúng tôi theo chân một “đại gia” có vốn lớn thì được nhân viên ngân hàng tư vấn sẽ nâng lãi suất huy động cho chúng tôi bằng cách khác. Nhân viên này nói: thay vì gửi tiền dưới hình thức “sổ tiết kiệm”, giờ ngân hàng sẽ thực hiện với khách hàng bằng hình thức “hợp đồng”. Trong hợp đồng có điều khoản khó cho ngân hàng để ngân hàng tự nguyện vi phạm và… chịu phạt. Trong đó, tiền phạt được quy theo tỷ lệ phần trăm, coi như nâng tỷ lệ phần trăm lãi suất lên. Vị này giải thích, NHNN chỉ quy định trần lãi suất tiền gửi (bao gồm khuyến mãi, thưởng) không được vượt 14%/năm chứ không bao gồm tiền phạt hợp đồng. Khi trần lãi suất tiền gửi được “lách” như thế chắc chắn trần lãi suất cho vay cũng khó giảm như mục tiêu đề ra.
Hàn Ni
Theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xác định mức tăng trưởng tín dụng năm 2011 không quá 19%. Kiểm soát và giảm tối đa tăng trưởng tín dụng cho khu vực phi sản xuất (khống chế mức tăng trưởng cho vay bất động sản dưới 9%/tổng dư nợ, kể cả các công trình hạ tầng); tỷ trọng cho vay chứng khoán dưới 0,5% tổng dư nợ. Dành doanh số cho vay từ 50.000-55.000 tỷ đồng (khoảng 5%/tổng dư nợ) cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, cho vay khoảng 165.000 - 170.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (khoảng 20%/tổng dư nợ); kiên quyết không cho vay để nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, các mặt hàng trong nước sản xuất được. Đồng thời, BIDV kiểm soát cho vay ngoại tệ không vượt quá 20%/tổng dư nợ. M.L. |