Khó hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng từ lâu nay vẫn là nhân tố đóng vai trò chủ chốt trong tăng trưởng, sức cạnh tranh và cả phúc lợi xã hội của một quốc gia. Tuy nhiên, tình trạng cơ sở hạ tầng đang quá tải và ngày càng thụt lùi tại các nước khu vực kinh tế Đông Á - Đông Nam Á đang là bài toán nan giải cho các chính phủ của khu vực hơn 600 triệu dân này.

Cơ sở hạ tầng từ lâu nay vẫn là nhân tố đóng vai trò chủ chốt trong tăng trưởng, sức cạnh tranh và cả phúc lợi xã hội của một quốc gia. Tuy nhiên, tình trạng cơ sở hạ tầng đang quá tải và ngày càng thụt lùi tại các nước khu vực kinh tế Đông Á - Đông Nam Á đang là bài toán nan giải cho các chính phủ của khu vực hơn 600 triệu dân này.

Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ thần tốc trong lĩnh vực đường cao tốc, đường sắt, bến cảng và hệ thống vận chuyển tổng hợp. Về đường sá, Trung Quốc hiện đang sở hữu mạng lưới lớn nhất thế giới với hơn 100.000km đường cao tốc. Về đường sắt, công ty đường sắt của nhà nước Trung Quốc đã cho hoạt động mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới và tuyến đường cao tốc dài nhất. Đối với giao thông đô thị, hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng hệ thống tàu điện ngầm.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng được khen ngợi. Trong bảng xếp hạng của báo The Economist vào năm ngoái, trong danh mục chất lượng của hệ thống cơ sở hạ tầng, Thái Lan và Lào đã được xếp hạng gần với Trung Quốc. Tuy nhiên, những trường hợp tích cực này không phải chiếm số đông ở châu Á. Nhiều nước láng giềng của ba nước này đứng gần dưới cùng của bảng xếp hạng. Theo tờ The Diplomat, sự thật phần lớn mạng lưới đường bộ và đường sắt vẫn còn rất mong manh, một số vẫn còn trong tình trạng đang xây dựng dở dang (do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997). Còn hệ thống giao thông tốt nhất, hiện đại thì không đáng kể. Kể từ tháng 2-2014, lần đầu tiên trong vòng 30 năm, người dân thủ đô Phnom Penh có thể đi làm bằng xe buýt. Trong khi đó, ở Timor-Leste, người dân khó có thể đi ra khỏi thủ đô Dili vì phân nửa các con đường đều khó đi và hầu hết đều không được trùng tu sau khi quân Indonesia rút khỏi.

Đầu tư cơ sở hạ tầng là chuẩn bị nội lực để phát triển kinh tế mạnh mẽ trong tương lai. Chính phủ Thái Lan năm ngoái cho biết sẽ tăng gấp đôi ngân sách, đến 4.000 tỷ baht (hơn 130 tỷ USD) để phát triển cơ sở hạ tầng trong 7 năm tới, chứ không phải đi vay mượn. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có điều kiện như Thái Lan. Trong bối cảnh việc chi tiêu cho các cơ sở hạ tầng công cộng đang gia tăng trong khu vực thì các quốc gia vẫn bỏ ra ít hơn nhiều so với số lượng tiền mà họ thực sự cần đầu tư. Indonesia chỉ dành khoảng 3% - 3,5% GDP vào cơ sở hạ tầng và có kế hoạch tăng ngân sách cho lĩnh vực này khoảng 11% trong năm nay. Philippines lại đặt mục tiêu tăng gấp đôi chi tiêu cơ sở hạ tầng hiện tại ở mức 2,6% GDP.  Các nước Đông Nam Á đang rất khát vốn đầu tư từ nước ngoài. Indonesia ước tính cần 150 tỷ USD, nhưng chỉ sẵn sàng để chi 15% số đó. Tuy nhiên, để thu hút được vốn đầu tư, các chính phủ trong khu vực cần những hành động mạnh mẽ hơn khi mà theo Reuters, nhiều chuyên gia về cơ sở hạ tầng nước ngoài nói rằng nhiều dự án tại các nước này không mang lại lợi nhuận hấp dẫn, cộng vào đó là bộ máy quan liêu và những quy định không chắc chắn đang đe dọa làm suy yếu các kế hoạch đầu tư đầy tham vọng của họ.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục