Khó khăn với thương mại hóa 5G

Mạng 5G không chỉ cung cấp dữ liệu siêu tốc mà còn đem đến hệ sinh thái số cho người dùng và các nền tảng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, góp phần khẳng định vai trò đồng hành trong công cuộc xây dựng chính phủ điện tử Việt Nam, tiên phong trong cung cấp dịch vụ di động thế hệ mới tại Việt Nam. Nhưng trước mắt, việc thử nghiệm 5G thương mại vẫn đang là bài toán khó với các nhà mạng.
Sóng 5G Viettel đã phủ thử nghiệm ở một số khu vực
Sóng 5G Viettel đã phủ thử nghiệm ở một số khu vực

Từng bước thử nghiệm

5G là viết tắt của Fifth Generation (Thế hệ thứ năm), tên của tiêu chuẩn tiếp theo trong giao tiếp di động sau tiêu chuẩn 4G hiện tại, nối tiếp 3G và 2G. Tốc độ của 5G nhanh gấp 10 lần so với 4G, cho phép kết nối nhiều thiết bị hơn với độ trễ thấp. Thế giới, trong đó có Việt Nam đang nằm trong cuộc đua phát triển 5G, kỳ vọng tạo sự chuyển biến lớn với các ứng dụng liên quan đến internet vạn vật, thành phố thông minh, chuyển đổi số…

Bộ TT-TT vừa cấp giấy phép thử nghiệm 5G thương mại cho hai nhà mạng Viettel và MobiFone. Theo đó, Viettel được thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại TP Hà Nội, quy mô không vượt quá 140 vị trí (trạm thu phát sóng BTS), còn MobiFone được thử nghiệm thương mại 5G tại TPHCM, với quy mô không quá 50 trạm BTS. Giấy phép thử nghiệm của hai nhà mạng có giá trị đến 30-6-2021. Động thái này nhằm giúp các nhà mạng đánh giá công nghệ và thị trường trước khi chính thức kinh doanh dịch vụ 5G. Hiện tại, đối tượng thử nghiệm là các thuê bao di động của nhà mạng được kết nối với các mạng viễn thông công cộng; được sử dụng các mã số viễn thông đã phân bổ.

Doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô thử nghiệm phải được sự chấp thuận của Bộ TT-TT, đồng thời, việc thử nghiệm phải chấp hành các quy định về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông, bảo đảm an toàn mạng, an toàn thông tin, cũng như hoàn trả tài nguyên viễn thông được cấp thử nghiệm sau khi giấy phép thử nghiệm hết hiệu lực hoặc khi có yêu cầu từ bộ.

Trước khi thử nghiệm thương mại hóa 5G, các nhà mạng lớn tại Việt Nam đã thử nghiệm kỹ thuật mạng tiên tiến này. Sớm nhất là Viettel, tháng 9-2019, đã triển khai phát sóng 5G và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật tại TPHCM - sự kiện cũng đánh dấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới. Tháng 3-2020, MobiFone triển khai những trạm phát sóng 5G đầu tiên tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM). Quá trình thử nghiệm cho thấy hệ thống mạng của MobiFone đã sẵn sàng, đảm bảo tương thích cho mạng 5G khi kết nối có thể hoạt động thông suốt, hiệu quả. Tháng 4-2020, VNPT cũng công bố đã chính thức thử nghiệm thành công mạng VinaPhone 5G tại Hà Nội và TPHCM. Kết quả, mạng VinaPhone 5G đạt hơn 2,2 Gbps, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ bằng khoảng 1/5 so với 4G. Đây là những số liệu tích cực, tiệm cận với chuẩn 5G của thế giới và là kết quả thử nghiệm 5G tốt nhất từng công bố trong các nhà mạng tại Việt Nam.

Chưa xong thử nghiệm

Hiện tại, MobiFone đang tích cực triển khai hạ tầng mạng để sẵn sàng cung cấp dịch vụ 5G cho khách hàng trong thời gian sớm nhất. Việc triển khai 5G ở Việt Nam vẫn trong giai đoạn ban đầu, do đó tại thời điểm này việc triển khai 5G sẽ có một số khó khăn như giá thiết bị, dịch vụ cao, số lượng thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G còn hạn chế, giá thành cao nên chưa phổ biến, vùng phủ sóng còn nhỏ hẹp… Thời gian thử nghiệm 5G tại Việt Nam cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở quy mô toàn cầu gây khó khăn trong việc trao đổi thông tin, thiết bị. Do đó, phát triển 5G đi cùng với thế giới là một nỗ lực, quyết tâm lớn của cả ngành viễn thông, thông tin Việt Nam nói chung, rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Công nghệ di động 5G khác với công nghệ di động thế hệ trước, chủ yếu phục vụ kết nối con người với nhau. Đối với 5G là kết nối vạn vật. Trong tương lai, 5G sẽ làm thay đổi rất nhiều các trải nghiệm trong thực tế. Công việc của nhà mạng là tính toán chi phí và lựa chọn thời điểm bùng nổ hợp lý. Để sử dụng hiệu quả công nghệ 5G, nhà mạng không thể làm điều đó một mình mà phải cần đến một hệ sinh thái có tính xã hội, toàn cầu. Với người dân, những người phải bỏ tiền để sử dụng 5G, phải làm sao để họ cảm thấy đồng tiền mà mình bỏ ra thực sự đem tới giá trị.

Đại diện Viettel cho biết, với lợi thế vừa nghiên cứu phát triển, vừa là nhà mạng viễn thông, các sản phẩm của Viettel sau khi thử nghiệm tại phòng lab sẽ được đưa ra cho các chuyên gia phản biện để hoàn thiện, rồi thử nghiệm trên mạng lưới trước khi chính thức thương mại hóa. Đây là điều kiện để Viettel thiết lập mạng 5G nhanh hơn, rộng lớn hơn, giá cước rẻ hơn. Hiện Viettel rất mong Chính phủ có các chính sách nhanh chóng, đặc biệt là về tần số để giúp các nhà mạng khai thác mạng lưới nhanh và hiệu quả nhất.

Tin cùng chuyên mục