Vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra hoạt động “Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn” với mục tiêu giới thiệu nền văn học hai quốc gia và đề xuất những hoạt động cần thiết để nâng cao mối giao lưu văn học giữa hai nước. Trong đó, quan trọng nhất là vấn đề dịch thuật và xuất bản sách của các nhà văn Việt - Hàn.
Việt Nam trong hồi ức một nhà văn Hàn
Khi nói về dịch thuật tác phẩm của mình, Kim Young Ha, một nhà văn khá nổi tiếng ở Hàn Quốc hiện nay, cho biết, lần đầu tác phẩm được dịch anh rất vui mừng nhưng về sau lại cảm thấy có phần xa lạ với các bản dịch. Xa lạ vì đó là đứa con tinh thần nhưng chính tác giả lại không thể đọc được, nhất là khi chuyển ngữ ở các ngôn ngữ không quen. Thế nhưng, với các bản dịch tác phẩm của anh ở Việt Nam, vấn đề lại khác dù thực tế anh cũng không biết tiếng Việt.
Sự khác nhau nằm ở chỗ, Việt Nam lại là một cuộc đời của Kim Young Ha, hay nói chính xác hơn là một phần quan trọng trong tuổi thơ của anh khi cha anh lúc đó đang làm sĩ quan hậu cần của quân đội Nam Hàn tại Việt Nam. Anh lớn lên với những hình ảnh cha chụp được ở Việt Nam trong đó chiếm đa số là màu sắc ảm đạm của chiến tranh, là những đĩa nhạc cha mua từ Việt Nam như một món quà kỷ niệm... Tất cả điều đó đã góp phần không nhỏ tạo nên một nhà văn Kim Young Ha sau này.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư giao lưu tại chương trình “Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn”.
Giao lưu cùng nhà văn Hàn Quốc lần này là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Young Ha viết về thành thị còn Ngọc Tư tập trung nông thôn. Thế nhưng, cả hai lại có rất nhiều điểm giống nhau như khả năng nhìn ra được sự khác biệt của những điều bình thường, tính cô đơn trong sáng tác, những vấn đề cảm nhận về cuộc sống… Và một điều quan trọng nhất là văn của người này đang đến với dân tộc của người kia, sách Kim Young Ha đã được xuất bản tại Việt Nam và Cánh đồng bất tận cũng đã xuất bản tại Hàn Quốc.
E dè khi tiếp cận văn chương Hàn
Ngay tại cuộc gặp gỡ văn chương Việt - Hàn, đã có đại biểu nêu lên một lo lắng, thị trường giải trí Việt Nam đã từng chứng kiến sự tràn ngập của phim Hàn, nhạc Hàn, liệu sắp tới đây sẽ là văn Hàn?
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nguyên Trưởng phòng Bản quyền NXB Trẻ, ủy viên Hội Nhà văn TPHCM, cho biết một thực tế là văn học Hàn chưa nhận được sự chú ý của bạn đọc trong nước. 10 năm nay, NXB Trẻ có in vài đầu sách nhưng con số bán ra không như mong muốn, thậm chí in 1.000 bản bán mãi không hết. Ước tính cho đến nay, tổng cộng có chưa đến 60 tác phẩm văn học Hàn Quốc được dịch ra tiếng Việt và chỉ vỏn vẹn duy nhất một tác phẩm viết về người mẹ là được tái bản.
Lý do có nhiều nhưng ít nhất không nằm ở vấn đề quảng bá vì thực tế người Hàn đã tốn không ít công sức để giới thiệu văn chương của họ ở Việt Nam như cuộc thi cảm nhận văn chương Hàn Quốc. Ở hướng ngược lại, con số này còn ít hơn, chỉ bằng phân nửa và hầu hết là sách mang tính giới thiệu văn hóa dân gian, gần đây mới có một số tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư được giới thiệu.
Lý giải việc văn chương Hàn còn chưa tạo được ấn tượng với bạn đọc Việt Nam có thể nhìn nhận qua tác phẩm Thành phố đồ chơi của nhà văn Lee Dong-ha (NXB Trẻ). Đây là một tác phẩm nổi tiếng tại Hàn Quốc với đề tài chiến tranh (chiến tranh Triều Tiên) và những vấn đề thời hậu chiến. Tuy nhiên, khi tới Việt Nam, tác phẩm không được đón nhận như mong muốn, có lẽ một phần vì đề tài chiến tranh, hậu chiến không mấy xa lạ với bạn đọc trong nước.
Chính vì thế, một trong những vấn đề quan trọng nhất được bàn dịp này là việc chọn lựa đề tài của các tác phẩm để dịch giữa 2 nền văn học. Dĩ nhiên, giá trị tác phẩm mới là điều cốt yếu nhưng nếu có thể định vị chính xác nhu cầu bạn đọc thì việc chọn lựa tác phẩm để dịch và xuất bản sẽ thuận lợi hơn.
Chương trình Gặp gỡ Văn chương Việt - Hàn có thể nói chia làm 2 phần là làm sao để văn chương Hàn đến với bạn đọc Việt và ngược lại. Ở hướng Hàn qua Việt, vấn đề có vẻ bế tắc. Thực tế, công tác quảng bá, tổ chức phía Hàn Quốc phải nói là khá tốt, từ năm 2001, Hàn Quốc đã có Viện Dịch thuật văn học trực thuộc Bộ VHTT-DL Hàn Quốc với mục tiêu giới thiệu văn học Hàn Quốc ra thế giới thông qua nhiều hoạt động như hỗ trợ dịch thuật và xuất bản, hỗ trợ các chương trình giao lưu văn học, đào tạo dịch giả, phát triển thư viện sách... Viện hỗ trợ dịch thuật và xuất bản tác phẩm văn học Hàn Quốc đến 30 nước với gần 800 đầu sách.
Thế nhưng, ở Việt Nam, đến nay văn chương Hàn vẫn chưa tìm được chỗ đứng, bên cạnh việc thiếu tác phẩm nổi bật về giá trị văn chương lẫn đề tài để tạo cú hích thì có một lý do cũng được nêu lên là sự bội thực văn hóa khi điện ảnh và âm nhạc Hàn đã phát triển khiến người đọc có phần e dè khi tiếp cận văn chương Hàn.
Còn ở hướng Việt qua Hàn vấn đề có vẻ thuận lợi hơn khá nhiều. Ông Kim Yoo Jin, đại diện Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc, cho rằng, do đặc thù lịch sử 2 dân tộc có nhiều điểm tương đồng nên bạn đọc Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến mảng sách văn học lịch sử của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay việc giới thiệu sách Việt tại Hàn Quốc còn khá manh mún, hầu hết mang tính chất cá nhân như trường hợp Nguyễn Nhật Ánh hay Nguyễn Ngọc Tư.
Theo TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học KHXH-NV TPHCM, hiện nay đang rất cần sự hỗ trợ với chiến lược tổng thể của nhà nước, đơn cử như việc thành lập một viện dịch thuật văn học để có thể dịch các tác phẩm nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giới thiệu với các NXB Hàn Quốc và cả các NXB khác trên thế giới.
Tường Vy