Khó quản hành nghề y tế tư nhân

Với hàng ngàn bệnh viện (BV), phòng khám đa khoa và chuyên khoa, hơn 4.000 nhà thuốc, công ty dược các loại đang là một “mạng nhện” hành nghề y dược tư nhân tại TPHCM.
Khó quản hành nghề y tế tư nhân

Với hàng ngàn bệnh viện (BV), phòng khám đa khoa và chuyên khoa, hơn 4.000 nhà thuốc, công ty dược các loại đang là một “mạng nhện” hành nghề y dược tư nhân tại TPHCM.

Ngay cả việc lên danh sách để thẩm định cũng “mệt nghỉ” chứ chưa nói đến thanh tra, kiểm tra. Hơn nữa, sự biến tướng trong hành nghề y dược như cho thuê bằng chuyên môn, “thay tên đổi họ” khi bị sai phạm, người nước ngoài hành nghề chui… đang đặt ra những thách thức cho cơ quan quản lý.

Khám chữa bệnh tại một cơ sở y tế tư nhân



Cưỡi ngựa… xem hoa

Theo ghi nhận từ Sở Y tế TPHCM, trong 3 ngày 30-8 đến 1-9-2016, đơn vị chuyên môn của sở lên lịch thẩm định tới 30 cơ sở khám chữa bệnh. Nào là phòng khám nội tổng hợp; phòng khám chuyên khoa nhi; cơ sở dịch vụ tiêm (chích); y học cổ truyền; phẫu thuật thẩm mỹ… Như vậy, chia trung bình mỗi ngày thẩm định tới 10 cơ sở và làm việc theo đúng giờ hành chính thì việc thẩm định cho mỗi cơ sở chưa tới 1 giờ đồng hồ. “Nếu đi hết một ngày 10 cơ sở thì thời gian thẩm định mỗi cơ sở chỉ được 20 phút, bởi vì còn phải trừ thời gian chạy lòng vòng trên đường”, một cán bộ Phòng Quản lý dịch vụ Sở Y tế TPHCM ngán ngẩm.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực dược thì công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định càng “cưỡi ngựa xem hoa” hơn. Theo lịch thẩm định cơ sở kinh doanh dược của Sở Y tế từ ngày 23 đến 26-8-2016 thì số lượng thẩm định tới 70 cơ sở. Chỉ trong 4 ngày, một số lượng “khủng” nhà thuốc và công ty dược được thẩm định Thực hành tốt phân phối thuốc (GDP) và Thực hành tốt nhà thuốc (GPP). Tính ra, gần 20 cơ sở được thẩm định trong một ngày và nói ví von như một chuyên gia y tế thì chẳng khác nào “chuồn chuồn đạp nước”…

“Quả là mạng lưới dịch vụ y dược rất lớn và đội ngũ cán bộ, điều kiện quản lý chưa phủ hết. Chính vì vậy, đã tạo ra những kẽ hở bị cơ sở lợi dụng”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết tại một hội nghị về dịch vụ y tế mới đây. Thực tế, hàng loạt cơ sở dịch vụ hành nghề y, dược tư nhân bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM phanh phui thì không ít cơ sở cố ý vi phạm, tái phạm, thậm chí có những hoạt động vi phạm mang tính “biến tướng”. Theo ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế, nhiều cơ sở hành nghề y, nhất là các phòng khám đa khoa, chuyên khoa được cấp phép một đằng nhưng hoạt động một nẻo, hoạt động quá phạm vi chuyên môn, sử dụng y bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, cho thuê mướn bằng dược sĩ…

Quản bằng… phần mềm!

Theo Sở Y tế, 6 tháng đầu năm 2016, các phòng khám đa khoa chiếm 6,7% tổng số lượt khám và tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám đa khoa ngày càng góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân và góp phần giảm tải cho các BV của TP… Tuy nhiên, theo Sở Y tế, còn tồn tại một cách “phức tạp” về nhân sự tham gia khám bệnh chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa và các cơ sở y tế tư nhân, như: Thay đổi về nhân sự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa báo cáo về Sở Y tế, nếu có báo cáo cũng không đầy đủ dữ liệu theo quy định; một người hành nghề đăng ký tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều phòng khám khác nhau, vi phạm nguyên tắc đăng ký hành nghề; có hành vi sử dụng chứng chỉ hành nghề để đăng ký tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều phòng khám khác nhau trên cùng địa bàn TP hoặc tại các địa phương khác; người nước ngoài có chứng chỉ hành nghề nhưng khi hành nghề không đăng ký hành nghề theo quy định hoặc hành nghề vượt quá phạm vi cho phép dẫn đến tai biến y khoa… “Có thể thẩm định đạt, cấp phép hoạt động rồi nhưng khi đi vào hoạt động, cơ sở lại không tuân thủ, hoạt động ngoài phạm vi chuyên môn, thay đổi nhân sự... Vì vậy, đòi hỏi công tác hậu kiểm, thanh tra, quản lý phải chặt chẽ”, PGS Lương Ngọc Khuê khuyến cáo.

Để quản lý chặt chẽ nhân lực hành nghề tại các phòng khám đa khoa, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, vừa cho biết đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhân lực hành nghề của ngành y tế nói chung và trong quản lý nguồn nhân lực đối với hệ thống y tế tư nhân nói riêng, hướng đến xây dựng “Y tế thông minh” của ngành y tế TP. “Hiện nay, Sở Y tế đang tiến hành tập trung để nhập liệu tất cả các hồ sơ về chứng chỉ hành nghề, khoảng 36.000 hồ sơ và khoảng 4.300 hồ sơ về giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”, ông Thượng cho biết. Dự kiến, trong tháng 9-2016, phần mềm quản lý nhân lực hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được liên thông giữa các phòng ban chức năng của Sở Y tế.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục