Khó tìm nguồn tuyển giáo viên song ngữ

Hàng năm, nhu cầu tuyển dụng giáo viên song ngữ (chương trình giáo dục triển khai đồng thời hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh) tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… khá cao. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng phải đỏ mắt tìm kiếm ứng viên do nguồn tuyển còn hạn chế.

Theo PGS-TS Nguyễn Đông Hải, chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo giáo viên song ngữ, khoảng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ giáo viên Việt Nam tham gia giảng dạy chương trình song ngữ ngày càng tăng, song chưa chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực đào tạo song ngữ. Nguyên nhân là do yêu cầu đặc thù của công việc này, người dạy không chỉ cần năng lực ngoại ngữ cao (thể hiện qua các chứng chỉ IELTS, TOEIC, TOEFL…) mà còn cần kiến thức chuyên ngành, năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, để có nền tảng chuyên môn sâu và rộng, giáo viên cần bồi dưỡng từ 1-2 năm, trong khi đó chỉ mất 6 tháng đến 1 năm là có thể nâng cao yêu cầu về ngoại ngữ. Vì vậy, đây là cơ hội rất lớn cho giáo viên Việt Nam ở các chuyên ngành tham gia “đường đua” song ngữ.

TS Nguyễn Thị Thu Huyền, chuyên gia vận hành nhiều hệ thống trường tư thục tại TPHCM, cho biết, hiện nay, tỷ lệ phụ huynh Việt Nam có khả năng chi trả số tiền từ 150-200 triệu đồng/năm cho việc học của con ngày càng tăng. Mức học phí này thấp hơn rất nhiều so với học phí chương trình quốc tế, nhưng lại phù hợp với các chương trình song ngữ đang được giảng dạy trong các trường quốc tế hoặc trường song ngữ tại Việt Nam.

Trong vai trò là nhà tuyển dụng giáo viên cho các trường quốc tế, chuyên gia này đánh giá cao tiềm năng phát triển của giáo viên Việt Nam, đặc biệt là giáo viên trẻ với nhiều lợi thế về năng lực ngoại ngữ, cơ hội tiếp xúc với các chương trình đào tạo nước ngoài. Tuy nhiên, định hướng sử dụng giáo viên lâu dài của các trường quốc tế hiện nay là tuyển dụng giáo viên dạy được chương trình quốc tế chứ không dừng lại ở các môn tiếng Việt trong chương trình quốc tế.

Bên cạnh rào cản về ngoại ngữ, nhiều giáo viên Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới tư duy khi dạy chương trình quốc tế. Trong quá trình phỏng vấn, ứng viên thường bị “gãy” khi xử lý tình huống sư phạm do thiếu tự tin, bị ảnh hưởng bởi cách dạy học truyền thống, thiếu cởi mở, tôn trọng năng lực cá nhân của học sinh. Đây là nguyên nhân khiến nhiều ứng viên dù có trình độ chuyên môn và năng lực ngoại ngữ rất tốt nhưng không đáp ứng yêu cầu giảng dạy của các trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục