Định hướng phát triển của thể thao TPHCM

Khó trăm bề!

  • “Cuộc chiến” giữa học và tập
Khó trăm bề! ảnh 1

Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân tại buổi làm việc. Ảnh: D.P

Sau phần báo cáo hoạt động năm 2006 và kế hoạch phát triển trong năm 2007 cùng những năm tiếp theo của ngành TDTT là phần kiến nghị, tâm tư tình cảm của các lãnh đạo, HLV, VĐV một số bộ môn. Thế nhưng, những người được “chỉ định” kiến nghị phải tập trung vào 2 vấn đề chính: Làm gì để phát triển thể thao đỉnh cao của thành phố trong thời gian tới, đặc biệt là 16 môn trọng tâm; Kế đến muốn phát triển thì cần có những điều kiện gì?

Dù hầu hết các kiến nghị ấy đã xoay quanh 2 việc trên, nhưng vẫn rất chung chung, chẳng có gì cụ thể vì tất cả đều cùng tâm trạng: “Nêu lên nhưng liệu có giải quyết được? Và nếu nói chi tiết thì không biết đến mấy ngày mới xong”, nhưng như thế vẫn nổi bật lên một vấn đề: việc học văn hóa và việc tập luyện của các VĐV chuyên nghiệp.

Đây là vấn đề đau đầu nhất đối với các bộ môn hiện nay, bởi hầu hết các VĐV đều vướng vào chương trình học văn hóa quá nặng, áp lực của việc học khiến các VĐV không còn bao nhiêu thời gian và sức lực cho việc tập luyện và thi đấu, dẫn đến thành tích sút giảm. Còn nếu căng sức vào tập luyện đỉnh cao thì chẳng còn đấu óc nào để học vì quá mệt. Chính thế mà hiện có nhiều VĐV đỉnh cao vẫn cứ mãi lẹt đẹt ở lớp 6, 7 hay thi tốt nghiệp THPT mấy lần thì đều… rớt, vì phải đi tập huấn và thi đấu quanh năm. Kiến nghị được đưa ra: thành phố nên có những chế độ chuyên biệt trong việc học văn hóa cho các VĐV để các em có thể đảm bảo cả 2 việc tập luyện và học hành để sau này ra đời không bị hụt hẫng và trắng tay so với các công dân cùng trang lứa.

Hướng tháo gỡ là ngành thể thao thành phố cần có một trường học chuyên biệt dành cho các VĐV. Ngôi trường này đã hoàn tất từ 2 năm nay, nhưng hiện vẫn còn nằm trên… giấy, vì chưa giải quyết được việc giải tỏa 31 hộ dân ở khu vực sân Hoa Lư (Q.1). Được biết, trong 31 nhà này đã hoàn tất giải tỏa 29 hộ, nhưng còn 2 căn đến nay vẫn chưa xong. Câu cảm thán: “Chỉ có 2 căn nhà mà còn chưa giải quyết cho ổn thỏa thì nói gì đến việc làm những chuyện lớn hơn?”, không phải không có lý và đáng để người ta suy nghĩ...

  • Những hướng giải quyết

Trong bản báo cáo của Sở TDTT gửi lên UBND TPHCM có 4 kiến nghị, tuy nhiên sáng qua Giám đốc Sở Nguyễn Hoàng Năng chỉ nêu lên 3 kiến nghị chính: 1/ Nên có cơ chế đặc thù cho Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc để xây dựng kịp tiến độ nhằm đưa vào tổ chức thi đấu Asian Indoor Games 2009; 2/ Đốc thúc và tháo gỡ vướng mắc trong giải tỏa để nhanh chóng tiến hành xây dựng trường THPT năng khiếu thể thao TPHCM tại số 2 Đinh Tiên Hoàng, Q.1; 3/ UBND nên xem xét cho ngành một quĩ đất để có thể làm quĩ khen thưởng cho các VĐV có những cống hiến xuất sắc cho thể thao nước nhà và thành phố.

Ngoài ra, các thành viên của ngành thể thao cũng đã nêu rất nhiều câu hỏi lẫn kiến nghị với lãnh đạo ngành về việc làm sao để phát triển thể thao thành phố như: “Trên núi, CLB bóng đá HAGL đã kết hợp được với CLB Arsenal (Anh) để mở một trung tâm đào tạo bóng đá, vậy dưới đồng bằng (TPHCM) liệu có làm được điều ấy? Vì bóng đá thành phố đang rất mong, rất cần và mơ đến việc này, nhưng đến bao giờ mới có được?” (kiến nghị của ông Trần Văn Mui - Tổng Thư ký LĐBĐ TPHCM); “TPHCM đang làm thể thao theo hướng rất nghiệp dư chứ chưa phải là chuyên nghiệp qua nhiều vấn đề như các VĐV tập luyện ít, thi đấu cọ xát ít, điều kiện sống chưa đảm bảo. HLV chưa đủ điều kiện và trình độ huấn luyện đỉnh cao… Nêu ra những vấn đề này, nhưng tôi không biết là chúng ta có quyết liệt hành động để phát triển phong trào thể thao thành phố không? (ông Chung Tấn Phong – Trưởng bộ môn thể thao dưới nước TPHCM)…

Về chuyện giải tỏa các hộ dân ở khu vực sân Hoa Lư để tiến hành xây trường học chuyên biệt cho các VĐV, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo UBND Quận 1 phải nhanh chóng làm việc này cho xong. Còn Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, Sở TDTT và các ban ngành liên quan gấp rút trình các vấn đề gút mắc lên để UBND có hướng giải quyết… Tuy nhiên, những vấn đề nêu lên còn nhiều việc phải bàn, phải mổ xẻ nên muốn giải quyết không phải là đơn giản, vì thế mà tiếp tục… chờ.

Lâu nay, dư luận đã nói nhiều về sự sa sút của thể thao thành phố, cũng như phân tích ra nhiều nguyên nhân. Nhưng đã bao cuộc họp, bao lần các ban ngành ngồi lại “mổ xẻ” tìm hiểu, lắng nghe… nhưng vẫn đâu hoàn đấy. Ngay việc các lãnh đạo thành phố nhắc đi, nhắc lại chuyện “xã hội hóa trong thể thao để lấy đó làm tiền đề phát triển”, nhưng năm ngoái một số cán bộ của UBND đã có dịp “kinh lý” đến các đơn vị điển hình xã hội hóa trong thể thao của thành phố để nghe và tìm hiểu về vấn đề này, nhưng nơi nào cũng than trời như bọng vì cơ chế chồng chéo đang trói tay, chặt chân của họ.

Làm gì để phát triển thể thao TPHCM, câu hỏi xem ra chẳng dễ trả lời.

ĐỖ TUẤN

Tin cùng chuyên mục