Huyện Quỳnh Lưu là vùng có thế mạnh và chuyên canh về trồng dứa (có nơi gọi là trái thơm, khóm) của tỉnh Nghệ An. Mọi năm, vào thời điểm này là bắt đầu vào vụ thu hoạch dứa với bao niềm phấn khởi vì dứa được giá, đây lại là cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, năm nay, mặc dù dứa được mùa nhưng nông dân ở vùng này đang phải chịu cảnh lao đao vì mất giá, thiếu đầu ra…
Dứa được mùa, nhưng chị Phan Thị Lợi (xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu) phải thu hoạch để bán với giá rẻ.
Đến một số xã của huyện Quỳnh Lưu vào những ngày giữa tháng 4 này, đi đâu cũng gặp người dân nói chuyện về dứa, nhưng toàn là chuyện không vui. Anh Trần Quang Huy (xã Tân Thắng) cho biết, năm nay gia đình anh trồng 3ha dứa, tăng diện tích hơn mấy sào so với năm ngoái. Anh hy vọng rằng với diện tích này sẽ đem đến cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể, vì dứa năm nay được mùa. Bình quân mỗi ha năm nay đạt đến 25 tấn, cao hơn 5 tấn so với năm trước. Tuy nhiên, giá bán năm nay có thời điểm xuống chỉ còn 40.000 đồng/yến, giảm đến 30.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Cùng cảnh ngộ như gia đình anh Huy, gia đình chị Phan Thị Lợi ở xã Quỳnh Thắng trồng 1 ha dứa. “Năm nay được mùa nhưng lại buồn mấy chú ạ. Giá dứa thấp đã đành, mà bán cũng chẳng mấy người mua, ngay cả thương lái họ cũng không mấy mặn mà. Nếu thương lái mua với số lượng lớn chở bằng ô tô thì được giá 48.000 đồng - 50.000 đồng/yến, còn nếu mua số lượng ít thì giá từ 52.000 đồng - 55.000 đồng/yến. Trong khi cùng thời điểm này năm trước giá dứa là 65.000 đồng - 70.000 đồng/yến. Cứ với tình trạng này thì đủ vốn đã là may mấy chú ạ”, chị Thu than thở.
Một thương lái cho biết, theo chu kỳ, cứ khoảng 3 năm thì giá dứa lại giảm. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nguyên nhân giá giảm còn do người dân tăng diện tích, trong khi còn phải cạnh tranh với những vùng nguyên liệu dứa ở Thanh Hóa, Ninh Bình…
Ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho biết, toàn xã này trồng khoảng 100 ha dứa. “Chúng tôi thấy rất lạ vì mới đầu mùa mà giá dứa lại giảm xuống thấp, trái ngược hoàn toàn với những năm trước. Hiện chúng tôi vẫn chưa rõ nguyên nhân thực sự của việc mất giá này”, ông Tiến cho hay.
Trong khi đó, ông Lang Đình Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thắng cho biết, xã này năm nay có 320ha dứa, trong đó có 50ha dứa mới trồng, còn lại là số diện tích đang kỳ thu hoạch. Ông Liêm cho biết: “Năm nay xã Tân Thắng trồng mở rộng thêm 50ha so với năm trước. Theo tôi, nguyên nhân dứa mất giá hiện nay là do bị thương lái ép giá”.
Theo tìm hiểu, trước đây, người trồng dứa ở Quỳnh Lưu có một đầu ra quan trọng đó chính là Nhà máy nước dứa cô đặc Quỳnh Lưu (nay chuyển đổi thành Nhà máy chế biến nước hoa quả). Tuy nhiên, mấy năm gần đây nhà máy này chuyển đổi công năng nên không còn bao tiêu sản phẩm cho người dân nữa, còn nếu mua thì cũng với số lượng rất hạn chế. Chính vì vậy người trồng dứa phải tự sản tự tiêu, bán trôi nổi ngoài thị trường. Chính quyền các xã trồng dứa đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền tìm hướng giải quyết cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết, thời gian trước đây, dứa chính là cây hàng hóa, cây chủ lực của bà con nông dân huyện nhà. Hiện nay Quỳnh Lưu có 5 xã trồng đại trà dứa với trên 600 ha, trong đó tập trung nhiều nhất là tại các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu…
Ông Dinh cho hay, năm 2012 Nhà máy nước dứa cô đặc ngừng sản xuất và chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, từ đó người trồng dứa bắt đầu khó khăn về đầu ra. Mối liên kết 3 nhà là nhà nông, nhà máy và Nhà nước không còn, sản phẩm của người nông dân bắt đầu bị thả nổi. Điều oái oăm là, mặc dù giá dứa rẻ, không ổn định và thiếu đầu ra nhưng cây dứa vẫn là cây trồng chủ lực nên chưa thể dứt bỏ. “Huyện thì không có chức năng tổ chức đầu ra cho nông dân, mà chỉ hỗ trợ tìm kiếm thị trường. Nhưng suy cho cùng, sản phẩm dứa bị xuống giá, không tiêu thụ được thì trách nhiệm trước hết là ở người dân, ở người trồng dứa. Người dân phải thấy được rằng nhu cầu của thị trường giảm thì phải giảm diện tích hoặc chuyển đổi cơ cấu cấu trồng”, ông Dinh lý giải.
DUY CƯỜNG