Vậy là sau gần 5 tháng xảy ra sự cố môi trường do Formosa gây ra, cuối cùng, Bộ Y tế và một số bộ, ngành chức năng cũng đã công bố kết luận về những loại hải sản an toàn.
Qua kết luận được công bố cho thấy, với những loại hải sản như: cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều an toàn để dùng làm thực phẩm hàng ngày. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng khuyến cáo không sử dụng các loại hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý, bởi lẽ cơ quan kiểm nghiệm vẫn phát hiện nhiều mẫu hải sản loại này bị nhiễm hóa chất nguy hại phenol do ảnh hưởng của việc Formosa xả thải.
Bộ Y tế khuyến cáo các hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá... chưa đảm bảo an toàn cho sử dụng làm thực phẩm. Ảnh: T.L
Mấy ngày qua, nhiều hộ dân ở tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã tu sửa lại tàu thuyền, phấn khởi ra khơi đánh bắt hải sản sau những ngày dài tàu thuyền của họ phải nằm bờ. Tuy nhiên bà con vẫn chưa hết lo âu vì tâm lý người dân còn e ngại việc sử dụng hải sản. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, khuyến cáo của Bộ Y tế về việc không sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý còn khá trừu tượng. Bởi lẽ, ở giữa biển khơi bao la rất khó xác định hải sản nào trong và ngoài ranh giới an toàn. Cá sống ở tầng đáy dưới 20 hải lý không an toàn thì cá sống ở phía tầng trên sẽ như thế nào. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, việc khả năng ngư dân sẽ chuyển đổi việc đánh bắt hải sản từ tầng đáy sang tầng nổi hoặc đánh bắt ở phạm vi ngoài 20 hải lý là rất khó thực hiện. Bởi lẽ đánh cá tầng nổi, nguồn lợi hải sản tầng nổi và nguồn lợi hải sản tầng đáy là 2 công việc rất khác nhau, công cụ đánh bắt và thói quen cũng rất khác nhau. Do vậy, ngư dân khó có thể nhanh chóng chuyển đổi từ thói quen đánh bắt hải sản ở tầng đáy sang đánh bắt ở tầng nổi vì còn phụ thuộc vào công cụ và kinh nghiệm đánh bắt.
Hơn lúc nào hết, người dân đang rất mong muốn và yêu cầu các bộ, ngành chức năng phải sớm có những hướng dẫn cụ thể hơn về sự an toàn của từng loại hải sản biển miền Trung sau sự cố Formosa, và có như vậy thì mới giải quyết thấu đáo được những khăn cho bà con ngư dân và những người làm nghề biển. Đồng thời, các bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương phải nhanh chóng có những giải pháp quan tâm hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đặc biệt là các hộ ngư dân đánh bắt hải sản ở tầng đáy dưới 20 hải lý trong chuyển đổi nghề nghiệp, công việc để có thể thích ứng hơn với điều kiện thực tế môi trường biển hiện nay nhằm ổn định cuộc sống.
NGUYỄN QUỐC