Khoác áo mới cho len Việt

Lớn lên ở Đà Lạt - xứ lạnh, cái duyên với len bén vào Phương Tú khi nào cô cũng không nhớ. Đã gần 15 năm với bao thăng trầm trong cuộc sống, cô vẫn không thể rời xa nghề này. Ngược lại, cô đang dần biến những sản phẩm đan, móc len tưởng chừng đơn điệu và mộc mạc ấy trở thành những mặt hàng thời trang sành điệu, đáp ứng thị hiếu giới trẻ trong và ngoài nước.
Khoác áo mới cho len Việt

Lớn lên ở Đà Lạt - xứ lạnh, cái duyên với len bén vào Phương Tú khi nào cô cũng không nhớ. Đã gần 15 năm với bao thăng trầm trong cuộc sống, cô vẫn không thể rời xa nghề này. Ngược lại, cô đang dần biến những sản phẩm đan, móc len tưởng chừng đơn điệu và mộc mạc ấy trở thành những mặt hàng thời trang sành điệu, đáp ứng thị hiếu giới trẻ trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch nhưng Phương Tú lại không làm nghề này mà “làm bạn” với nghề đan, móc len. Lúc đầu cô chỉ làm nhỏ lẻ theo kiểu gia đình, bạn bè giới thiệu khách hàng là chính, nhưng dần những sản phẩm áo ấm bằng len của cô được nhiều người ưa chuộng. Tú quyết định mở một shop nhỏ ngay tại trung tâm quận 1 (TPHCM) để kinh doanh mặc hàng này. “Mọi người nói tôi liều vì không phải dân trong ngành, mẫu mã sẽ không đa dạng và không hiểu tính nết của mặc hàng này, nhưng tôi kệ và tự mày mò tạo ra những mẫu mã mới cho riêng mình”, Tú tâm sự.

Khi shop bắt đầu có khách, cô cũng hình thành được một nhóm thợ cùng quê để tham gia sản xuất hàng. “Hàng của tôi lúc mới bắt đầu kinh doanh, chủ yếu là đan tay và đan máy, rất ít hàng móc len và khách hàng chủ yếu là các bạn trẻ Việt kiều. Từ nhu cầu, đòi hỏi của khách hàng, tôi tìm hiểu để nâng cấp sản phẩm của mình, như ngoài áo ấm, khăng choàng, nón len, tôi tạo thêm đầm len và các sản phẩm len cho mùa hè”, Tú kể.

Đến lúc cái nghề tay trái khá yên ổn, cô gái Đà Lạt lại cảm thấy nghề tay phải trống trải, chông chênh. Thế là sau 7 năm gầy dựng shop len, Tú lại háo hức với chuyện kinh doanh ẩm thực. “Nhưng hơn một năm sau khi đầu tư tâm huyết vào nhà hàng, tôi ngộ ra mình không hạp với nghề này bằng nghề len”, Tú cho biết.

Thất bại với nghề ẩm thực, cô quay về với len và lần quay trở lại này, cô đã làm khác tất cả, không gò bó len với những mẫu mã, ý tưởng đơn giản, mà cô tập trung hơn 100% đam mê đưa sản phẩm len, thời trang len trở nên đa dạng, thông dụng và đang được nhiều người biết đến.

Năm 2016 là năm thịnh hành của xu hướng thời trang với len móc. Các bộ sưu tập hè-thu của các hãng thời trang tên tuổi nước ngoài, trong nước đều giới thiệu những mẫu đầm dây. Đó cũng là thời điểm thuận lợi để Phương Tú tạo ra những bước đột phá trong sản phẩm len của mình ngoài sản phẩm truyền thống áo dài Việt Nam bằng len đã được nhiều người trẻ ưa chuộng. Thường cô sẽ thực hiện theo mẫu mã, kiểu dáng khách yêu cầu. Ngoài ra, Tú còn tư vấn kiểu cho khách và hướng dẫn khách cách phối màu sao cho hài hòa.

Cô tiếp tục chinh phục khách hàng trẻ tuổi của mình khi “mặc len” cho các chiếc túi cói và thậm chí tạo ra những chiếc hoa tai với họa tiết tinh tế bằng len. Lê Hương, một khách hàng thân quen của Tú cho biết, chưa bao giờ đeo hoa tai với len, cô cũng không nghĩ len có thể làm nên hoa tai đẹp và thời trang như vậy, cho đến khi Phương Tú giới thiệu sản phẩm này.

Hiện Tú quyết tâm đầu tư và tung ra các bộ sưu tập hoa tai, áo dài, vòng cổ bằng len (móc thủ công) đáp ứng nhu cầu của khách hàng trẻ trong và ngoài nước với giá sản phẩm “made in Việt Nam” rẻ hơn nhiều (bằng khoảng 1/3) so với sản phẩm của nước ngoài.

GIA LYNH

Tin cùng chuyên mục