Từ hôm nay 1-6, hơn 1.900 dịch vụ y tế tại các bệnh viện công lập tăng giá đối với người không có BHYT. Bước đầu có khoảng 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ, ngành chính thức thực hiện tăng viện phí đối với người không có BHYT.
Không đồng loạt điều chỉnh khung giá dịch vụ khám chữa bệnh
Thông tư số 02/2017/TT-BYTcủa Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT ) chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-6-2017, đồng nghĩa với việc các bệnh viện công lập tăng giá viện phí.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế cho biết, mặc dù Thông tư số 02 có hiệu lực thực thi từ ngày 1-6-2017 nhưng không phải bắt đầu từ hôm nay, tất cả bệnh viện trên toàn quốc thực hiện việc tăng giá viện phí với người chưa có BHYT mà theo quy định, Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc các bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng 2 trở xuống. Thời điểm thực hiện tại mỗi đơn vị, địa phương sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự quyết định của cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 02 đến hết 2017 phải thực hiện mức giá viện phí mới đối với người chưa có BHYT trên cả nước. Do đó, trước mắt, bắt đầu từ hôm nay (1-6) có khoảng 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ, ngành sẽ chính thức điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế đối với người chưa có BHYT.
Đáng chú ý, để hạn chế tác động của việc tăng viện phí và thực hiện theo lộ trình, có 30 tỉnh thành sẽ thực hiện điều chỉnh viện phí vào tháng 8-2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10-2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12-2017, chứ không tăng đồng loạt cùng một thời điểm.
Trong số các địa phương, Hà Nội sẽ triển khai thực hiện Thông tư 02 trong tháng 8 tới đây và TPHCM sẽ thực hiện vào tháng 10- 2017. “Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình từng bước, thận trọng, không điều chỉnh đồng loạt mà có phân chia tiến độ điều chỉnh giữa các đơn vị, địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT và thu nhập của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...”- Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nêu rõ.
Mức tăng không nhỏ
Liên quan tới mức tăng viện phí đối với người chưa có BHYT, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, theo quy định của Thông tư 02 cho phép tăng giá 1.916 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT. Do giá viện phí mới được kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí một số yếu tố trực tiếp cấu thành (chi phí thuốc, dịch truyền, hoá chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, điện, nước, nhiên liệu, bảo dưỡng thiết bị...) nên nhiều dịch vụ y tế đối với người không có BHYT có mức tăng 2-3 lần giá cũ. Trong đó thấp nhất là đối với chi phí khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, người bệnh sẽ phải trả 39.000 đồng cho một lần khám, tại bệnh viện hạng 2 là 35.000, hạng 3 là 31.000 đồng, hạng 4 và trạm y tế xã là 29.000 đồng.
Đặc biệt với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao sẽ có chi phí rất lớn như: chụp X quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng, chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng, nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng... thậm chí chụp PET/CT còn lên tới 20 triệu đồng.
Cùng với đó chi phí giường bệnh nội trú cũng tăng lên đáng kể, như: giá dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng gấp đôi lên 677.100 đồng/ngày, hạng 1 là 632.200 đồng, hạng 2 là 568.900 đồng...
Lãnh đạo Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế cũng cho biết, sau khi tăng giá dịch vụ y tế thì tổng chi phí khi khám chữa bệnh với người không có BHYT phải tự chi trả ước tăng trung bình khoảng 10% so với trước.
Bao nhiêu người chịu tác động?
Thống kê của BHXH Việt Nam, hiện nay đã có 81,7% dân số với gần 76 triệu người đã có thẻ BHYT. Như vậy, còn khoảng 18% dân số tương đương khoảng 20 triệu người chưa tham gia BHYT sẽ chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí này.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam cho biết, khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT đã được Quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí khám chữa bệnh tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân không có BHYT sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh nên khoản tiền người bệnh phải trả thêm khi viện phí tăng sẽ là con số không nhỏ, nhất là với những bệnh nhân sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, hay bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị lâu dài. Do đó, Thông tư 02 có hiệu lực thực thi chắc chắn có tác động đến ý thức tham gia BHYT, người dân càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của BHYT nên tham gia BHYT nhiều hơn.